KHUYẾN HỌC – BÀI HỌC CỦA GIỚI TRẺ VIỆT
Chào mừng bạn đến với TULATO – Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Bạn phải “mài đũng quần” 12 năm trên ghế nhà trường, ròng rã 4 năm đại học vậy mà đến khi nộp đơn làm việc, thì lại cần ít nhất 1 tuần học việc, sau này bước vào con đường kinh doanh, bạn tiếp tục phải học mọi lúc từ đối thủ, từ khách hàng, từ thị trường…
Nhưng bạn có biết vì sao mình phải học nhiều đến thế? Nếu không học thì điều gì xảy ra? Hôm nay TULATO sẽ chia sẻ một cuốn sách mà “ông vua café” – Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn café Trung Nguyên đã chọn để tặng cho thanh niên Việt Nam đọc miễn phí. Đó là cuốn sách “Khuyến Học” một tác phẩm có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng Nhật Bản, được viết bởi tác giả Fukuzawa Yukichi.
Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một chính trị gia, nhà tư tưởng lớn, người mà không người Nhật nào lại không biết, được xem như bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật hiện đại. Hình ảnh của ông được in hình trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.
“Khuyến Học” ra đời vào năm 1868, cách đây hơn 150 năm với 3,4 triệu bản in lần đầu tiên, so sánh với dân số Nhật Bản khoảng 35 triệu người tại thời điểm đó mới thấy được sức ảnh hưởng của nó ra sao. Người dân Nhật Bản vào thời Minh Trị thuộc sách “Khuyến Học” như thuộc vỡ lòng. Khi bạn đến bất kỳ nơi đâu như thư viện, xe buýt, trên tàu điện, bạn đều thấy người ta cầm “Khuyến Học”. Có thể nói rằng đây là một cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân.

Người Việt Nam cần đọc “Khuyến Học” để hiểu tại sao xứ sở Mặt trời mọc lại được coi là đế quốc kinh tế hùng mạnh nhất; tại sao quốc gia nhỏ bé ấy có thể phát triển từ chiến tranh đổ nát, thiên tai triền miên. Đặc biệt với các bạn học sinh, sinh viên cuốn sách này thực sự hữu ích và hoàn toàn phù hợp.
Fukuzawa Yukichi tuyên bố “Trời không tạo ra người đứng trên người”, “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”. Xin chớ hiểu nhầm tư tưởng của tác giả, đối với ông, “học vấn” không phải người có lắm học hàm học vị, “Khuyến Học” là khuyến khích người ta chủ động tích lũy tri thức có ích cho cuộc sống chứ không chỉ là lý thuyết suông.
Cuốn sách gồm 17 phần, đi từ quan niệm về sự bình đẳng của con người, vai trò của con người với đất nước và học làm sao để có ích cho mình, cho đời. Đọc “Khuyến Học” ta có cảm giác mình đang được sống trong đất nước Nhật Bản cuối thế kỷ 19. Tác giả đã không ngần ngại đưa vào trang sách của mình những “ung nhọt” của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Có lẽ bạn có thể hình dung rõ sự kinh ngạc của công chúng trước những tư tưởng mới mẻ đến lạ lùng này. Chúng như những nhát dao chặt mạnh vào luồng suy nghĩ truyền thống, cắt đứt những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ trong đời sống người Nhật. Những ý tưởng khai sáng vĩ đại làm thức tỉnh người đọc khỏi những tham vọng tầm thường, khiến họ tâm phục khẩu phục.
Mọi người sinh ra đều bình đẳng
Sau bao nhiêu năm đấu tranh cả về vũ trang và tư tưởng, phần đông thế giới đã công nhận quyền bình đẳng giữa con người với con người. Nhưng hàng trăm năm trước đây, trong xã hội Nhật Bản và còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, vẫn tồn tại tư tưởng “người đứng trên người”, đó là sự phân biệt đẳng biệt giai cấp, phân biệt giới tính gây ra bất hạnh cho rất nhiều cuộc đời. Fukuzawa Yukichi cho rằng học vấn mới tạo ra sự khác biệt giữa người này và người khác. Nếu mơ một tương lai tốt đẹp, chúng ta phải biến nó thành hiện thực bằng cách học và lao động.
Vai trò của công dân đối với đất nước
Sau khi khẳng định sự bình đẳng trong quan hệ giữa người với người, tác giả giúp chúng ta xác lập vai trò của mình đối với đất nước. Phần 6 và phần 7 giúp chúng ta nhìn rõ quan hệ giữa công dân với đất nước, với chính phủ, đâu là quyền lợi, đâu là nghĩa vụ mà chúng ta phải tuân theo.
Muốn đất nước phát triển thì không thể chỉ dựa vào chính quyền, người dân không được ỷ lại vào các nhà quản lý; ngược lại, các quan chức chính quyền cũng không được kìm kẹp người dân. Hai bên cần có sự trao đổi thẳng thắn vì đó mới là cái đích cuối cùng của độc lập.
Học thế nào để trở thành người có ích
Fukuzawa Yukichi thúc đẩy người trẻ cần xác định học cái gì và học như thế nào cho thiết thực. Với ông, học bảng chữ cái và học cách soạn thảo thư từ là để sử dụng trong thương thảo; học kinh tế là để giải quyết vấn đề chi tiêu trong gia đình và hiểu biết nền tài chính quốc gia; học đạo đức là để hiểu hành vi của bản thân và biết cách giao tiếp với người khác. Theo ông, biết chữ không có nghĩa là có học vấn. Nếu chỉ biết gọi đúng tên cái cưa, cái đục mà không biết cách đóng đồ dùng, không có tư duy thiết kế thì không thể gọi là thợ mộc được. Tóm lại, phải học những gì có khả năng áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nếu không thì tiền bạc, công sức đầu tư vào việc học chỉ khiến chúng ta và gia đình tán gia bại sản chứ không khiến cuộc sống tốt hơn.

Cách học đó mới là bánh lái giúp Nhật Bản xây dựng được tiềm lực kinh tế, tiếp thu những tri thức trên khắp thế giới, mở cửa quốc gia để trao đổi, hội nhập. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo những người chỉ biết chuộng Tây học mà quên mất văn hóa, đặc trưng của Nhật Bản để mù quáng chạy theo giá trị phù phiếm. Làm gì cũng phải giữ tinh thần của một quốc dân Nhật Bản, đó mới là cái gốc để phát triển xa hơn.
“Khuyến Học” kịch liệt đả kích những tư tưởng học chỉ để ấm thân mình. Với tác giả, người trẻ mà lại muốn lựa chọn công việc an nhàn, quên mất rằng cái gì càng khó đạt được thì càng quý trọng, càng khó kiếm thì càng có giá trị cao. thì thật đáng lên án. Xét thấy sinh viên Việt Nam ngày nay có xu hướng tránh né việc khó, tìm việc dễ. Môn nào khó thì bỏ, những môn dễ thì lại hời hợt, chủ quan. Cứ tiếp diễn sẽ trở thành xu hướng, trào lưu trong xã hội và cuối cùng thì đáp ứng được trình độ các công ty trong nước còn khó huống chi là theo kịp sinh viên toàn cầu về mặt kiến thức. Đây cũng có lẽ là lý do tại sao mà tỷ lệ sinh viên nước ta ra trường làm trái nghề và thất nghiệp luôn rất cao. Thay đổi thực tế này không khó. Chỉ cần thế hệ trẻ luôn giữ được tinh thần quyết tâm, không ngại khó, suy nghĩ khách quan mọi sự vật, ngày đêm rèn dũa và tích lũy thực lực bản thân. Cứ như vậy chắc chắn sẽ có ngày đạt được thành công.
Cuốn sách “Khuyến Học” – tác phẩm có thể coi là ngọn đuốc dẫn đường xóa tan lớp sương mù tăm tối trong tư tưởng người dân Nhật Bản vào thế kỷ 19, 20. Những bài học trong cuốn sách này còn có giá trị vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, có tính ứng dụng cao với cả thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Các bạn cừa nghe review về cuốn sách “Khuyến Học” của Fukuzawa Yukichi cuốn sách khai sáng dân tộc Nhật Bản. TULATO hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích và hỗ trợ hiệu quả cho công việc của bạn. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi TULATO. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
