Sức mạnh tĩnh lặng trong thế giới huyên náo
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Có bao giờ bạn thấy mệt mỏi giữa những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống? Bạn cảm thấy lạc lõng, chán nản khi đứng trước giông bão cuộc đời? Có phải bạn vẫn thỉnh thoảng trốn khỏi phố thị để tìm về những miền quê yên tĩnh, để được thư giãn? Chắc hẳn đa số chúng ta, những người đang sống trong thời đại này, đều cảm thấy như thế. Nhưng khi tâm ta đang ồn ào hay phóng đi mà ta đi tìm sự yên tĩnh bên ngoài thì đó chỉ là một hình thức lừa gạt. Nhưng nếu tìm được một không gian tĩnh lặng trong lòng, thì không cần phải cố gắng, chúng ta cũng tỏa chiếu được bình an và niềm vui sống. Vậy nên, không chỉ sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài cần được giải quyết, mà cả trái tim và tâm trí của chúng ta, nơi đang đầy những cuộc trò chuyện và suy nghĩ không ngừng đến nỗi chúng ta không kết nối được với hạnh phúc, cũng cần tìm được sự nhẹ nhõm. Để nghe tiếng gọi của cuộc sống, chúng ta cần sự im lặng, và thực hành chánh niệm giúp ngăn chặn tiếng ồn từ bên trong bên trong. Đó là lí do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên cuốn sách “Tĩnh lặng – Sức mạnh tĩnh lặng trong thế giới huyên náo”.

95 năm trụ thế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến là một nhà hoạt động tôn giáo, nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình được thế giới kính nể với những lời dạy thông qua chánh niệm về hòa bình, xây dựng cộng đồng… Sự nghiệp của thiền sư Nhất Hạnh không giới hạn trong những hoạt động phật sự và xã hội. Ông là thi sĩ, nhà văn xuôi nghệ thuật, nhà chính luận, nhà khảo cứu, nhà tư tưởng thiền học và duy thức luận – một tác gia lớn của văn hóa Việt Nam đã hiện diện trong đời sống tinh thần hơn bảy thập niên.
“Tĩnh lặng” là cuốn sách thứ 11 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, được xuất bản bởi Thái Hà Books. Cuốn sách có nội dung được triển khai thành 7 chương mạch lạc như: Chừng mực với tiếng ồn, Đài NST, Im lặng sấm sét, Lắng nghe sâu, Sức mạnh tĩnh lặng, Chú tâm và Chế tác truyền thông.
Trong 2 chương đầu, Thiền sư khẳng định những tiếng ồn quanh ta, bao bọc ta như không khí. 3 chương tiếp theo và vai trò và sức mạnh của tĩnh lặng. 2 chương cuối, Thiền sư đưa ra những cách thức cụ thể để mỗi người đạt được sự im lặng, an nhiên trong nội tâm.
Giống như bao tác phẩm khác của Thiền sư, cuốn sách này cũng được viết bằng những hình ảnh liên tưởng, so sánh sáng tạo, độc đáo nhưng gần gũi, nhẹ nhàng. Những ví dụ được Thiền sư đưa ra gắn liền với cuộc đời thầy. Đó cũng là những tình huống mà ta có thể bắt gặp bất cứ khi nào trong cuộc sống.

Im lặng tựa như không khí
Trong thời đại mà suốt ngày ta phải tiếp nhận các thông tin, âm thanh và tiếng ồn liên miên bất tận này thì bạn có được bao nhiêu phút yên lặng thực sự mỗi ngày?
Cho dù không nói chuyện với ai, không đọc sách, không lên mạng… thì hầu hết chúng ta vẫn không thấy an ổn hay yên tĩnh. Theo Thiền sư, đó là vì chúng ta đang mở đài NTS – Non Stop Thinking – đài suy nghĩ liên tục không ngừng.
Dù lúc ngồi yên, không có một tác nhân nào bên ngoài tác động thì cuộc đối thoại không hồi kết thúc vẫn liên tục diễn ra trong đầu bạn phải không? Thực vậy, chúng ta luôn luôn suy nghĩ. Chúng ta ‘tiêu thụ’ đi tiêu thụ lại nhiều lần những suy nghĩ tiêu cực, thiếu may mắn giống như con bò nhai lại thức ăn. Nên để có khả năng sống được, ta phải tắt đài trong mình, tắt những cuộc đàm luận trong đầu bởi Thiền sư đã ví rằng:
“Yên lặng là một điều thiết yếu.
Chúng ta cần yên lặng như cần không khí, như cây cần ánh sáng.
Nếu tâm trí chúng ta đầy ắp những ngôn từ và suy nghĩ thì chúng ta sẽ không có không gian.”

Thực hành chánh niệm để lấy lại sự chú tâm
Không suy nghĩ là một nghệ thuật như bất kỳ nghệ thuật nào, đòi hỏi sự thực tập và kiên nhẫn. Lấy lại sự chú tâm và đưa tâm trở về với thân, chỉ trong vòng 10 hơi thở thôi thì cũng đã khác đi rất nhiều rồi. Nếu thực tập thường xuyên, bạn có thể khôi phục khả năng “sống trong giây phút hiện tại”. Và sau đây là một số hướng dẫn mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra trong cuốn sách giúp bạn thực tập chánh niệm mỗi ngày nhằm đạt được sự yên tĩnh trong tâm trí:
- Ngồi yên vài phút là cách dễ nhất để bắt đầu tập luyện buông bỏ tập khí suy nghĩ. Khi ngồi yên, ta có thể quan sát suy nghĩ của ta vọt lên như thế nào và ta có thể thực tập không nhai lại những suy nghĩ đó. Ta định tâm vào hơi thở và vào sự im lặng, để cho chúng đến rồi đi. “Chỉ cần ta để ra vài phút cho bản thân làm lắng dịu thân thể, cảm thọ, tri giác bằng cách này thì niềm vui sẽ xuất hiện. Niềm vui của sự yên tĩnh sẽ trở thành thức ăn trị liệu hằng ngày của chúng ta.”
- Đi bộ là một cách tuyệt hảo để thanh lọc tâm mà không cần phải cố gắng. Hãy chỉ đi thôi vì khi tập trung vào việc đi thì niềm vui và ý thức sẽ phát khởi một cách rất tự nhiên. Để thực sự thưởng thức từng bước chân khi đi, ta phải cho phép tâm ta buông bỏ hoàn toàn những lo lắng và kế hoạch. Vừa đi vừa thực hành hơi thở chánh niệm: Ta có thể bước một bước với hơi thở vào và một bước với hơi thở ra.
- Dừng suy nghĩ khoảng chừng 10 – 20 giây khi đi bộ. Cho mình 20 giây là cho mình 20 nghìn lần của một phần nghìn giây để dừng lại con tàu suy nghĩ. Nếu muốn, bạn có thể cho mình thêm thời gian. Trong khi dừng lại, cơ thể có khả năng trị liệu. Tâm cũng có khả năng trị liệu. Không một ai và không một thứ gì có thể ngăn cản bạn tiếp tục chế tác niềm vui sướng trong khi vừa đi bộ vừa thực tập hơi thở chánh niệm.
Thực tập chánh niệm đích thực không yêu cầu bạn phải ngồi thiền hay để tâm về những hình thức bên ngoài, mà đòi hỏi bạn phải nhìn sâu để thưởng thức được sự tĩnh lặng bên trong. Nếu không làm được điều này, bạn không thể chế ngự được năng lượng bạo động, sợ hãi, hèn nhát và hận thù trong bạn.
Nhưng không phải vì thế mà thực tập chánh niệm là điều gì đó khó thực hiện.

Tạo không gian cho chánh niệm dễ hơn bạn nghĩ!
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cuộc sống quá bận rộn, không còn chỗ để nuôi dưỡng chánh niệm. Thế nhưng, thực ra sống chánh niệm là vấn đề thay đổi thái độ và nhớ lại mục đích thực sự của mình mà không phải nhét thêm “thiền tập” vào lịch sinh hoạt hàng ngày.
Bạn không cần phải ở trong phòng thiền hoặc đợi có giờ rảnh để thực tập chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là điều mà bạn có thể làm bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu; chỉ cân tâm thanh tịnh, thư thái, theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý vào những gì bạn đang làm.
Chẳng hạn, khi thức dậy vào buổi sáng, lúc còn ở trên giường, bạn có thể bắt đầu một ngày mới bằng hơi thở chánh niệm. Trong giây phút đó, việc đầu tiên là theo dõi hơi thở vào ra và ý thức là bạn đang có 24 giờ tinh khôi để sống. Đó là món quà cuộc sống ban tặng cho bạn!
Bạn có thể học thuộc lòng 4 câu thi kệ mà Thiền sư đã hướng dẫn như sau:
“Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”
Cách viết gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ khiến cho nội dung toàn bộ cuốn sách không nặng giáo điều mà mang tính ứng dụng cao. Có lẽ bởi vậy nên cuốn sách được các đánh giá cao bởi cả độc giả quốc tế và độc giả Việt Nam trên các trang đánh giá sách.
Cuốn sách “Tĩnh lặng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nên là cuốn sách mà bạn nên có ngay lúc này nếu bạn đã sẵn sàng đón nhận sức mạnh của sự im lặng, sẵn sàng tiếp cận cuộc sống với lòng biết ơn và bình tĩnh hơn, sẵn sàng để không bị cuốn đi bởi những ồn ào xung quanh và bên trong bản thân mình.
Tulato hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích cho bạn và đem lại nhiều điều tích cực cho cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Tĩnh lặng” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
