Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam và Trung Hoa
Thiền tập Phật giáo hiện nay như là một hoạt động vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Nhờ thiền tập, con người có thể buông bỏ được những căng thẳng, bất an, lo âu; phục hồi năng lượng để sống an lạc, hạnh phúc. Tại Việt Nam hiện nay phổ biến các dòng thiền như: Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử… Nhưng có một dòng thiền được sáng lập bởi sơ tổ của thiền học Việt Nam lại được ít người biết đến hơn, đó là dòng thiền Đông Độ được khởi nguyên bởi Thiền sư Khương Tăng Hội.
Bằng vốn kiến thức uyên thâm của một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và hoạt động xã hội, người có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng tu tập, thiền hành trên thế giới; Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mời bạn đọc tiếp xúc trực tiếp với sức sống thiền hùng tráng uy nghiêm trong nhân cách phi thường ấy, và sự ảnh hưởng sâu rộng của nhân cách ấy trong dòng chảy hai ngàn năm của dòng thiền Đông Độ thông qua cuốn sách “Thiền sư Khương Tăng Hội – Sơ tổ của thiền tông Việt Nam và Trung Hoa”.

Đây là một cuốn sách thuộc thể Giảng kinh – Luận giải của Thầy Thích Nhất Hạnh, nói về cuộc đời và quá trình tu tập của thiền sư Tăng Hội – Tổ sư của Thiền Tông Việt Nam.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ nổi tiếng vì sự nghiệp tu hành, mà còn ghi dấu ấn với độc giả những cuốn sách về đạo Phật, thiền tập, hay những cuốn sách hướng người đọc đến suy nghĩ tích cực, thân tâm an lạc. Sinh thời, Thiền sư đã viết được 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh, trải dài nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, tu học, thiền, nghệ thuật sống, quản trị… cho đến sách thiếu nhi.
Khởi nguồn thiền học Việt và Trung Hoa
Mở đầu cuốn sách, Thầy Thích Nhất Hạnh đã khái lược khởi nguyên của đạo Phật (đạo Bụt) Việt Nam. Theo đó, Thầy Tăng Hội là tổ sư của thiền học tại Việt Nam, sống vào thế kỷ thứ IIỊ. Sau khi đã dạy thiền tại Giao Chỉ, thầy mới đi sang nước Ngô để giảng dạy.
Thiền sư khẳng định chúng ta có những chứng cớ hùng hồn để chứng minh những bài kinh như Lục Độ Tập, An Ban Thủ Ý… đã được sư tổ viết khi vẫn còn ở Giao Châu, chứ không phải qua tới đất Ngô rồi mới viết.
Khi Tổ Tăng Hội đi đi sang kinh đô của nước Ngô, người ta rất lấy làm ngạc nhiên, vì đây là lần đầu dân chúng thấy hình dáng của một vị xuất gia. Đó là lời Cao Tăng Truyện ghi lại. Rồi tổ dựng ra một cái am
nhỏ để tu tập. Người ta đồn đãi với nhau về sự có mặt của tổ, và cuối cùng vua Ngô Tôn Quyền đã cho mời tổ tới. Cả vua cả tôi đều làm khó khăn ngài, vì ngài đại diện cho một tôn giáo chưa có mặt ở tại đất nước họ. Hồi đó, ở tại kinh đô nước Ngô chỉ có một người cư sĩ Ấn Độ đang dịch kinh, không có một người tu sĩ nào cả.
Nhưng thầy Tăng Hội rất giỏi. Thầy đã thuyết phục được vua Ngô Tôn Quyền. Vua Ngô Tôn Quyền đã làm cho thầy một ngôi chùa. Người ta gọi trung tâm hành đạo của ngài là Phật Đà Lý, trung tâm của Bụt. Ngôi chùa đó sau được đặt tên là Kiến Sơ. Đó là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên nước Ngô. Đến khi vua Ngô Tôn Quyền đã tịch, con là Tôn Hạo lên thay. Tôn Hạo đã làm mọi cách để chống đối thầy Tăng Hội nhằm bác bỏ giáo lý của thầy, nhưng thầy Tăng Hội không những giỏi về Phật học, mà còn giỏi về Lão học và Nho học. Những lập luận hùng hồn của thầy đã khiến Tôn Hạo chịu phục, sau đó xin quy y và thọ năm giới với thầy Tăng Hội.
Chính thầy Tăng Hội cũng là người đầu tiên vận động người dân nước Ngô được xuất gia theo thể thức hội đồng thập sư truyền giới như ngày nay đang áp dụng. Hội đồng thập sư truyền giới gồm 10 người, trong đó có: tam sư và bảy vị tôn chứng. Và cố nhiên là để có đủ được mười thầy thì thầy Tăng Hội đã phải gởi người về Giao Châu để xin thỉnh một số các thầy tới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra những dữ kiện lịch sử quan trọng để chứng minh rằng: đạo Bụt ở Trung Hoa, nhất là ở miền giang tả, sở dĩ đã được thành lập một cách có hệ thống đó là nhờ thiền sư Tăng Hội từ Giao Châu đi qua. Từ đó ta cũng biết được thầy Tăng Hội không những là sáng tổ của thiền học Việt Nam, mà còn được xem là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở cả Trung Hoa.

Tư tưởng của thiền sư Khương Tăng Hội
Nói về tư tưởng của Thiền sư Khương Tăng Hội, đối với người chưa học đạo, thì thật khó. Nhưng với những nghiên cứu vừa có tính hàn lâm lại vừa có tính thể nghiệm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thông qua cuốn sách giúp bạn đọc khám phá một nhân cách phi thường trong buổi khởi nguyên của dòng thiền Đông Độ.
Tư tưởng thiền của đại sư Khương Tăng Hội âm thầm lan tỏa vào từng ngóc ngách của phật giáo Việt Nam suốt gần 20 thế kỷ nay.
Qua những lời giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thiền học đối với Thiền sư Tăng Hội không phải chỉ là những phương pháp hành đạo mà còn có cả một căn bản triết học về tâm học.
Thầy Tăng Hội định nghĩa: tâm là “không có hình, không có tiếng, không có trước, không có sau, thâm diệu, vi tế, không có tóc tơ hình thức; Phạm Thiên, Đế Thích và tiên thánh cũng không thấy rõ được; những hạt giống của tâm khi thì ẩn khi thì hiện, cái này hóa sinh thành cái kia, người phàm không thể thấy được; đó gọi là ấm”. Chúng sinh phiêu trầm vì tâm ấy bị lôi kéo theo lục tình và mười ba ức uế niệm… Những tà hạnh của lục tình nhiều như nước muôn sông chảy về biển, bất tận. Do đó phương pháp quán niệm hơi thở là để đối phó lục tình và ngăn chặn tà hạnh. Thầy Tăng Hội đã viết: “Người hành giả đã chứng đắc được phép An ban, thì tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy để quán chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy…”

Thiền học theo tư tưởng của thầy Tăng Hội là một môn học có phương pháp và thầy đã phân tích đề lên 4 phương cách thiền (Tứ Thiền) là: “chính tâm, nhất ý, tập trung điều thiện duy trì từ trong tâm, ý thức những ý niệm dơ bẩn mà khử diệt”.
Nhất Thiền là khử bỏ tham ái, ngũ yêu tà sự, khử bỏ những thanh, hương, vị và xúc thường gây tai hại.
Nhị Thiền là diệt trừ quan niệm thiện ác chống nhau. Ví như người đã thoát ly oán thù, tìm tới chốn thâm sơn để cư trú nhưng còn sợ oán thù có thể tìm tới. Do đó, phương pháp Nhị Thiền khiến ý niệm vui và sợ đều tiêu diệt, mười điều ác tuyệt dứt, không còn ngoại duyên nào có thể tới xâm nhập tâm mình.
Tam Thiền là giữ gìn tâm ý một cách kiên cố, cải thiện và ác cũng đều không thâm nhập được từ bên trong thiện cũng không xuất phát, mà từ bên ngoài thiện, ác và tịch diệt cũng không xâm nhập được. Người thực hành Tam Thiền thanh tịnh như hoa, lìa xa ác niệm, cả tâm và thân đều an ổn để hướng về tứ thiền.
Tứ Thiền là cả thiện và ác đều bỏ, tâm không nhớ thiện cũng không nhớ ác; trong tâm yên và sáng như hạt ngọc lưu ly.
Có thể nói, nội dung cuốn sách “Thiền sư Khương Tăng Hội” khá nặng về phần lịch sử và sẽ là một thách thức không nhỏ cho phần lớn bạn đọc. Tuy nhiên, những thông tin, dữ kiện lịch sử và những lời giảng giải mà thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn sách sẽ là tư liệu quan trọng cho những nhà nghiên cứu Phật học và đang tìm kiếm tư liệu về thầy Khương Tăng Hội.
Tulato hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích cho bạn và đem lại nhiều điều tích cực cho cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Thiền sư Khương Tăng Hội” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
