Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Nói đến Thiền, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được rất nhiều định nghĩa về Thiền định và vô số các bài học để thực hành nó. Xuất phát từ Ấn Độ – đất nước của Phật Giáo – sau đó chuyển đến Trung Hoa – cái nôi văn hoá của thế giới – và cuối cùng là Nhật Bản – đất nước mà nó được phát triển. Vậy lịch sử và cách thực hành đúng đắn của Thiền định là gì? Hãy cùng Tulato khám phá xuất xứ của Thiền Định thông qua tác phẩm “ Thiền : Lịch sử và Giáo Huấn” của tác giả, đạo sư Osho nhé.
Chandra Mohan Jain là tên thật đầy đủ nhất của Osho. Ông được người đời biết đến là một tu sĩ, bậc thầy tâm linh huyền bí người Ấn Độ. Ông là người dẫn đầu phong trào Rajneesh – một phong trào của những người được cảm hoá bởi nhà huyền môn này. Ngoài ra, Osho cũng được biết đến với vai trò một diễn giả, và nhà phê bình chủ nghĩa xã hội, Mahatma Gandhi, và đạo Hindu chính thống. Các tác phẩm của Osho chủ yếu nhấn mạnh đến Thiền định, lịch sử và nguồn gốc của nó, cách để thực hiện và khám phá một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy mà người ta còn gọi ông là vị đạo sư của dòng Thiền. Những cuốn sách của Osho – cho đến nay – đã được dịch hơn 60 thứ tiếng và bán cả triệu bản trên toàn thế giới.
Trong đó, tác phẩm “Thiền : Lịch sử và giáo huấn” đã tóm gọn rất kỹ càng về nguồn gốc của Thiền định khi nó chỉ mới là một “hạt giống” ươm mầm ở đất nước Ấn Độ – một đất nước mà theo Osho cho rằng đó là một đất nước “hướng nội”. Osho nhận định, Ấn Độ là nơi xuất phát của Phật Giáo, một vùng đất của tâm linh, và bộ môn Thiền định được ví như một “hạt giống” của một cái cây. Nó lớn lên và nở rộ tại Trung Hoa – một đất nước cân bằng giữa hướng ngoại và hướng nội – và cuối cùng là phát triển rực rỡ ở một đất nước hoàn toàn hướng ngoại, đó là Nhật Bản.

Cuốn sách được chia thành chín phần với hơn 290 trang, kể về quá trình và lịch sử hình thành của Thiền định được Osho dẫn dắt qua ba nước: Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đầu tiên theo Osho, việc hình thành những hạt giống là một điều gì đó rất tự nhiên với Ấn Độ. Nói lên rất nhiều về văn hoá và lịch sử của đất nước này. Ấn Độ là một quốc gia có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Và sự tiềm năng đó được ví như một hạt giống, nhìn sâu vào bên trong, tĩnh lặng và không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh nào ở bên ngoài. Nhưng cũng chính vì điều này, mà Thiền định không thể lớn mạnh ở Ấn Độ. Nó chỉ được hình thành ở trạng thái phôi thai. Ấn Độ là đất nước của Phật Giáo, và để cho ra đời một tôn giáo, ta phải giống như một người phụ nữ, như sống trong bụng mẹ. Thiền định ở Ấn Độ dường như chỉ tồn tại ở một ý niệm, chứ không thực sự là thực hành. Chính vì vậy nó phải đi tìm đến một mảnh đất khác.
Mảnh đất tiếp theo mà nó đến chính là Trung Hoa. Trung Hoa được xem như là đất nước của sự cân bằng, hoà nhập giữa hướng ngoại và hướng nội. Ở Trung Hoa không có khái niệm phôi thai nhiều như Ấn Độ. Trung Hoa là đất nước của sự du nhập và chuyển tâm. Không một tôn giáo nào có nguồn gốc xuất phát từ Trung Hoa. Ở nơi này, tôn giáo được tiếp nhận và chuyển hoá thành cái của riêng mình. Thiền định cũng giống như vậy. Khi đến với Trung Hoa, Thiền định phổ biến hơn, nhưng vì đây không phải là nơi ươm mầm “hạt giống” của nó, nên Thiền định vẫn chưa thể “lớn”.
Chỉ tới khi nó du nhập đến Nhật Bản – một đất nước thiên về hướng ngoại – Thiền định mới thực sự phát triển. Văn hóa Nhật Bản và con người Nhật Bản luôn luôn dịch chuyển, đổi mới. Người dân Nhật Bản là biểu tượng của tiểu tiết, thực hành và vận dụng. Người Nhật Bản luôn chú trọng tới bề ngoài, trong giao tiếp nhỏ nhặt thường ngày cho đến những công trình lớn. Những gì mà người Nhật làm, nó luôn mang tính xây dựng và cầu thị. Họ luôn đặt ra mục tiêu và hoàn thành mục tiêu. Và khi Thiền định được du nhập vào đất nước này, nó đã được phát triển phồn thịnh, tựa như hoa anh đào nở.

Những đóng góp mà Nhật Bản xây dựng cho Thiền định là không thể chối cãi. Thiền, chính là phương pháp tĩnh tâm với mục đích đạt đến sự giác ngộ. Khi Thiền, chúng ta quan sát những suy nghĩ chạy quanh trong tiềm thức của ta mà không hề dập tắt chúng, xem chúng giống như một điều gì đó rất tự nhiên. Và thiền Zen của Nhật Bản cũng giống như vậy. Người Nhật – khi muốn tĩnh tâm – họ luôn có thể thiền mọi lúc mọi nơi, trong lúc họ uống trà, lúc họ đang câu cá,… Lối sống bình thản và tập trung đạt được mục tiêu của người Nhật, chính là Thiền.
Thiền ở phương Tây cũng tương tự. Họ thiền thông qua những sự luyện tập, mài giũa thông thường, qua những sutra khoa học và những công án (koan). Thiền giữa người Nhật và phương Tây có điểm chung nhưng họ cũng có những điểm khác nhau ở thước đo vật lý, giữa hữu hạn và vô hạn. Người Nhật dựa vào điểm chung này, đã tiếp cận nhanh chóng các thành tựu và văn minh của phương Tây, họ luôn nhanh hơn những quốc gia châu Á khác. Người phương Tây là kiểu người của sự năng động, nên khi họ thiền, họ không thể ngồi yên mà thay vào đó họ nên học thiền thông qua một hành động nào đó để thực hiện tĩnh tâm một cách tự nhiên hơn.
Thiền định – theo Osho – mang lại nhiều bài học giá trị cho cuộc sống của một con người. Con người luôn thường xuyên bị kiểm soát bởi sợ hãi và ức chế, vì vậy để thoát khỏi nó, chúng ta hãy tìm tới thiền định và thực hành thiền định. Rằng để có thể giữ tỉnh táo giữa sự hỗn loạn trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần phải học cách đối mặt với những vấn đề của chính mình. Osho đã giải nghĩa về Thiền định : Nó là gì? Nó xuất phát từ đâu? Tại sao nên thực hành thiền định? Thiền ở đâu vào lúc nào? Và thúc giục độc giả tìm đến giá trị thực sự của bản thân mình thông qua tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn mà thiền định mang lại.
Tựu chung lại, thông qua cuốn sách này Osho một lần nữa cho thấy tư duy mới mẻ và góc nhìn khác biệt của ông khi nhận định: Thiền là đứa con lai giữa tư tưởng của Đức Phật và tư tưởng của Lão Tử. Nó là một cuộc gặp gỡ vĩ đại, cuộc gặp gỡ vĩ đại nhất từng xảy ra. Cuộc gặp gỡ giữa tinh tuý giáo huấn của Đức Phật với tinh tuý giáo huấn của Lão Tử hợp nhất thành một dòng chảy sâu sắc không thể tách rời.

Tác phẩm “Thiền: Lịch sử và giáo huấn” của Osho được đánh giá rất cao bởi những độc giả muốn tìm đọc về tôn giáo và lịch sử. Osho đã được Peter B. Clarke – một giáo sư, học giả người Anh chuyên nghiên cứu về đề tài tôn giáo và là Biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại – đánh giá là “ một bậc thầy tâm linh quan trọng chính trong quốc gia Ấn Độ”. Cuốn sách được trang OSHO SAMMASATI – một cộng đồng nổi tiếng được lập ra để tri ân các tác phẩm của Osho – tôn vinh là một trong những tác phẩm về thiền định hay nhất của ông dành cho người mới bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp và giá trị của thiền định.
Cuốn sách này giống như một bài thuyết giảng vô cùng bí ẩn về lịch sử và nguồn gốc của Thiền. Nếu như bạn là một người có hứng thú với bộ môn Thiền định và muốn thực hành Thiền định thì đây chính là quyển sách dành cho bạn.
Tulato hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích cho bạn và đem lại nhiều điều tích cực cho cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại…
