Đánh mất bản ngã giữa bầy người trong thời đại hỗn loạn và lo âu
Bạn có bao giờ e sợ những cơn thịnh nộ của đám đông trên mạng xã hội? Bạn có thấy dư luận là một sức mạnh vô hình không thể điều khiển, không thể tiên đoán, và không thể khống chế? Đó là vì đa số chúng ta đều không hiểu, thậm chí là không biết một chút gì về tâm lý học đám đông, về những nền tảng tư tưởng, niềm tin, và các nhân tố quan trọng đã định hình và tác động lên từng suy nghĩ và hành vi của đám đông. Bạn có thể dựa trên các kiến thức về tôn giáo, thể chế, chính trị, lịch sử,… để giải thích các hiện tượng lịch sử và các hiện tượng xã hội hiện nay. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu bạn bỏ qua góc nhìn dựa trên tâm lý học về các đặc tính chủng tộc, di truyền và các truyền thống của một dân tộc. “Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon có thể cho bạn lời giải đáp, một lời giải đáp dựa trên các cơ sở hoàn toàn khác so với những giải thích trước đó mà bạn từng nghe qua. Hôm nay hãy cùng Tulato tìm hiểu sâu hơn về cuốn sách này nhé

Trải qua lịch sử hơn 125 năm, Tâm lý học đám đông vẫn giữ nguyên giá trị với thời gian, khẳng định vị thế của một tựa sách xuất sắc và độc đáo về các hiện tượng tâm lý của quần chúng. Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Và trong thời đại hỗn loạn và lo âu ấy, bằng việc đánh mất lý tưởng của mình, chủng tộc đã đánh mất tâm hồn mình và lại trở thành đám đông. “Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, bị phó mặc cho mọi ngẫu nhiên. Bọn tiện nhân thành bà hoàng và những kẻ dã man tiến lên”.
Tác giả Gustave Le Bon là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp, đồng thời trong giới khoa học Châu Âu ông cũng được biết đến là một cây viết phong phú về nhiều lĩnh vực liên quan đến sinh lý học và tâm lý học. Những tác phẩm nền tảng nhất của Le Bon là Quy luật tâm lý về sự tiến hoá của các dân tộc (1894), Cách mạng Pháp và tâm lý học về các cuộc cách mạng (1912) và Tâm lý học đám đông (1895).
Vào thời đại của mình, Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông, mang đến những hiểu biết được thể hiện trong tác phẩm Tâm lý học đám đông.
Kỷ nguyên mà ông sống và chứng kiến là một trong những dấu mốc mang tính bước ngoặt của loài người, khi tư tưởng của nhân loại phải trải qua những luồng sóng biến đổi mạnh mẽ. Đó là: những niềm tin tôn giáo, chính trị và xã hội vốn là nền tảng của một nền văn minh trước đó đang dần bị huỷ diệt và sụp đổ; được thay thế bởi những điều kiện mới của trí tuệ, sản phẩm của tư tưởng khoa học và những khám phá công nghiệp bắt đầu hình thành nên đời sống hiện đại.

Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon được xem là một trong những trước tác kinh điển của thế giới và cũng là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp khoa học đồ sộ bao gồm nhiều lĩnh vực của ông. “Người ta quan tâm đến Le Bon vì đám đông, còn Le Bon quan tâm đến những điều sâu xa hơn từ đám đông ấy”. Bản sắc dân tộc, số phận của nền văn minh, những bộ máy nhà nước cùng các thể chế chính trị đều được kể đến. Điều gì còn ẩn giấu đằng sau những yếu tố đó? Chúng có ảnh hưởng gì đến đám đông? Chúng quyết định tâm lý đám đông hay chính tâm lý đám đông đã hình thành nên chúng? Quyển sách sẽ trả lời đầy đủ các câu hỏi trên với tổng cộng 13 chương được chia thành 3 quyển lớn: Tâm hồn của đám đông, Quan điểm và niềm tin của đám đông, Phân loại và mô tả các loại đám đông.
Ở quyển thứ nhất, tác giả phân tích đến các yếu tố cấu thành nên tâm lý của một đám đông, và điều kiện để hình thành nên một đám đông đúng nghĩa. Chúng ta sẽ thấy được cách mà các yếu tố vô thức thể hiện sự thống trị thông qua việc điều khiển suy nghĩ và hành vi của mỗi người khi họ ở trong một đám đông, chúng khiến họ suy nghĩ hoàn toàn khác đi so với lúc họ là một cá nhân riêng rẽ. Người ta có thể trở nên đạo đức hơn, bao dung hơn hoặc anh hùng hơn bao giờ hết, hoặc họ cũng có thể trở thành những kẻ giết người, bất khoan dung, chuyên chế và bảo thủ.
Quyển thứ 2 bàn về các quan điểm và niềm tin của đám đông, trong đó có đề cập đến các nhân tố trực tiếp và gián tiếp tác động lên quan điểm của đám đông và các phương pháp thuyết phục đám đông của các nhà lãnh đạo. Đây có lẽ là chương sách hay nhất và thu hút người đọc nhất khi nó hầu như trả lời cho tất cả các câu hỏi mà ta vừa nêu ra ở phần trên: đám đông có thể bị điều khiển hay không và yếu tố nào có thể chi phối họ? Liệu các nhà lãnh đạo có phải chỉ là những kẻ nắm bắt được các chiêu thức lừa gạt tâm lý một cách tinh vi? Sức mạnh của đám đông có phải chỉ là một loại sức mạnh mang tính hủy diệt đối với các nền văn minh? Nhà nước và báo chí có còn khả năng định hướng dư luận? Hay họ đang chạy theo dư luận và sự thay đổi của đám đông để tồn tại?
Trong phần còn lại của tác phẩm – quyển 3 – tác giả nhằm trình bày về cách phân loại đám đông và mô tả đặc điểm của họ. Theo tác giả có hai loại đám đông có tổ chức: đám đông không thuần nhất và đám đông thuần nhất. Mỗi loại đám đông có tổ chức đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố khác nhau.
Ví dụ như bạn sẽ dễ dàng phân biệt giữa các đám đông không thuần nhất với nhau nhờ vào yếu tố chủng tộc vì “tâm hồn của chủng tộc quyết định hoàn toàn tâm hồn của đám đông”. Đám đông cử tri cũng là một loại đám đông không thuần nhất. Quan điểm chung nhất của những người thắng cử thể hiện đặc tính chủng tộc của đất nước đó. Để chiếm được lá phiếu của các cử tri, ứng cử viên chỉ cần “tâng bốc họ và hứa hẹn cho họ những điều tốt đẹp nhất”. Còn với đối thủ của mình, ứng cử viên phải “đè bẹp đối thủ bằng cách khẳng định liên tục, lặp di lặp lại để chứng minh đối thủ cực kỳ hèn nhát, đê tiện”,.. Nếu đối thủ của họ không hiểu chút gì về tâm lý đám đông, “ông ta sẽ minh oan bằng các lập luận, lý lẽ, bằng chứng, thế là ông ta sẽ chẳng còn cơ may nào chiến thắng”. Đó là lý do vì sao có nhiều nước trên thế giới hạn chế quyền lực trực tiếp của việc phổ thông đầu phiếu, mà lại chuyển quyền lực đó sang một hình thức gián tiếp hơn nhằm tránh các quyết định cảm tính và những niềm tin mù quáng như “có lẽ nào chân lý không nằm ở phía đa số khi ai cũng có đầu óc sáng suốt” Tương tự, các đám đông thuần nhất lại bị các yếu tố như niềm tin, nền tảng giáo dục, lợi ích, môi trường sống,.. chi phối mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình khác của đám đông thuần nhất được tác giả nhắc đến chính là bồi thẩm đoàn. Giống như đám đông, bồi thẩm đoàn cũng bị tác động rất lớn bởi tình cảm. “Họ có thể tỏ lòng nhân từ với một phụ nữ ưa nhìn, hoặc một đám trẻ mồ côi và hiếm khi phán quyết nặng tay với tội giết chết một đứa con mới đẻ của một bà mẹ”. Do đó, trong bồi thẩm đoàn, lý trí cá nhân không hề có chỗ đứng khi chỉ cần “ một hoặc hai người cương quyết là đủ để lôi kéo số thành viên còn lại”.

Thông qua Tâm lý học đám đông, Le Bon mang đến những dòng phân tích đơn giản mà sâu sắc, chứa đựng một lượng kiến thức liên ngành khá lớn. Qua đó, bạn sẽ rút ra được khá nhiều điều mới lạ và hấp dẫn về tâm lý đám đông. Thậm chí, bạn có thể nắm bắt được những nguyên nhân sâu xa trong sự thay đổi của các luồng dư luận và tư tưởng, thay vì phải chạy theo chúng mỗi ngày.
Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Nguyễn Cảnh Bình đã viết: “…đối với cá nhân, hiểu biết về tâm lí đám đông luôn tuyệt đối hiệu quả khi áp dụng vào thực tế và không có gì phải bàn cãi về tính đúng đắn của lí thuyết này. Ngay từ khi ra đời Tâm lí học đám đông đã mê hoặc nhiều lãnh tụ vĩ đại hay đầy tai tiếng và góp phần không nhỏ trong thành công được ca ngợi hay tham vọng bá quyền gây căm phẫn của họ. ”
Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại với sự gia tăng chóng mặt các liên kết giữa người với người và giữa các nhóm người cùng lợi ích, cùng cả những xung đột giữa những đám đông với quan điểm và lợi ích trái ngược. Chẳng một con người nào có thể sống bên ngoài cộng đồng người, do đó việc không tham dự vào bất kỳ đám đông nào là bất khả thi. Khi đó, Tâm lý học đám đông càng thể hiện rõ tầm quan trọng của mình trong việc cảnh tỉnh người đọc về những “bùa mê” mà ta có thể gặp phải khi trở thành một phần của đám đông. Nếu bạn đang cảm thấy hỗn loạn và khó thích nghi với một cộng đồng thì cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu hơn về đám đông ấy dưới góc nhìn của Tâm lý học. Cuốn sách cũng đặc biệt cần thiết với ai đang cần khai thác sức mạnh của đám đông để tạo ra những điều có giá trị lớn lao hơn, như nhà quản lý, lãnh đạo hay chính trị gia.
Các bạn đã từng đọc qua cuốn sách này chưa? Cảm nghĩ của các bạn như thế nào về những gì được Le Bon chia sẻ? Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Nếu thích những nội dung chúng mình chia sẻ hãy nhấn subscribe để có thể theo dõi những video tiếp theo và cùng chúng mình tìm hiểu những đầu sách độc đáo nhé.…..
