bạn có thực sự hiểu các quyết định của mình
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
“Một con lừa đang đói bụng tìm đến một kho thóc để tìm kiếm cỏ khô và phát hiện ra có hai đống cỏ khô kích thước giống hệt nhau ở hai bên của kho thóc. Con lừa đứng giữa hai đống cỏ khô mà không biết chọn đống cỏ nào. Hàng giờ trôi qua mà nó vẫn không thể đưa ra quyết định. Cuối cùng, nó lăn đùng ra chết vì đói.”
Đây là một câu chuyện thú vị được trích ra từ cuốn “Phi Lý Trí” của tác giả Dan Ariely. Khi nghe câu chuyện này, chắc hẳn bạn thấy con lừa này thật ngốc nghếch và đáng thương, bởi lẽ đầu óc nó đơn giản, vì nó chẳng được Tạo hoá ưu ái ban cho chút lý trí nào để suy nghĩ thấu đáo như loài người.
Con người quả là một loài động vật kỳ diệu. Nhờ có trí tuệ, chúng ta có khả năng suy nghĩ độc lập, phân tích chi phí – lợi nhuận và dường như luôn đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Và chắc chắn con người sẽ luôn biết đưa ra sự lựa chọn để tối đa hoá lợi ích cho bản thân. Vậy nên vấn đề của con lừa kia, nếu rơi vào tay con người chắc chắn chỉ là chuyện nhỏ!
Nhưng liệu có thật như vậy hay không? Nếu bạn biết rằng phần lớn con người đều hành xử giống câu chuyện trên, hẳn là chúng ta sẽ sốc lắm!

Thử nghĩ kĩ lại xem, đã bao giờ bạn quyết định sống tiết kiệm hơn, ăn uống lành mạnh hơn hay lướt smartphone ít hơn, và chỉ vài ngày sau đã nhận thấy rằng mình lại đi mua những thứ vô bổ, tống đầy đồ ăn nhanh vào miệng và dành cả ngày Chủ nhật để chìm đắm trong những trò vui với chiếc điện thoại hay chưa?
Hay đã bao giờ bạn sẵn sàng mua một món hàng có giá 60.000 đồng kèm chính sách miễn phí vận chuyển, song lại đắn đo cân nhắc trước món hàng tương tự có giá 40.000 đồng và phải trả thêm 20.000 đồng phí vận chuyển?
Đó là bởi tất cả chúng ta đều là những kẻ ảo tưởng – rằng mình là cá thể sống lý trí, suy nghĩ dựa trên những cơ sở đáng tin cậy và hành động có căn cứ xác đáng. Chúng ta tưởng mình đang điều khiển các quân cờ, nhưng sự thật thì chính chúng ta mới là những con tốt trong một trò chơi mà mình không hiểu cách đi. Chúng ta khác với con lừa, bởi chúng ta có thể đưa ra cho mình sự lựa chọn. Nhưng chúng ta lại dễ dàng bị lừa bởi các chiêu trò khi đang trong vai người tiêu dùng. Trên thực tế, chúng ta phi lý trí hơn mình tưởng, thậm chí là thường xuyên phi lý trí và phi lý trí có hệ thống.
Đó là kết luận của Dan Ariely – Giáo sư bộ môn Kinh tế học hành vi tại Học viện Công nghệ Massachusetts, thông qua hàng loạt thí nghiệm và ví dụ kỳ lạ trong cuốn Phi lý trí của mình – trong hành trình đưa người đọc vào chuyến du ngoạn tới các hành vi của con người.
Có thể nói rằng, “Phi lý trí” là một cuốn sách đặc biệt hấp dẫn và đầy cảm hứng. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ kỹ hơn về tất cả những hành vi, những sai lầm của mình để sống hợp lý và tốt đẹp hơn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách vẫn luôn nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy và đáng đọc một lần trong đời kể từ khi xuất bản lần đầu năm 2009.

Dan Ariely là nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Boston và giáo sư thỉnh giảng của đại học Duke. Các công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu và phương tiện truyền thông uy tín như: New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Boston Globe,…
Với hàng chục những thí nghiệm và ví dụ kỳ lạ, Dan Ariely đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới nơi sự phi lý trí ngự trị thường xuyên. Ông khảo sát toàn bộ yếu tố có khả năng tác động khiến con người không hành động theo lý trí của mình. Ông thậm chí còn chỉ ra rằng, ngay cả sự phi lý trí tưởng như vô tổ chức của chúng ta cũng “mang tính hệ thống và có thể dự đoán trước”.
Cuốn sách gồm 13 chương. Ở mỗi chương, tác giả mô tả một lực lượng (cảm xúc, tính tương đối, các quy chuẩn xã hội…) ảnh hưởng tới hành vi và quyết định của chúng ta. Với những quan sát hết sức tinh tế, thông minh, cuốn sách giúp người đọc thấu hiểu những hành vi mà chúng ta luôn cho rằng có lý.
Những kiến thức trong quyển sách được trình bày một cách hấp dẫn, lôi cuốn và sống động, phù hợp, dễ đọc và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Tác giả thường chọn cách bắt đầu mỗi chương sách bằng một câu hỏi độc đáo, nhằm khơi gợi sự tò mò của độc giả.
Ví dụ như: Bạn đã bao giờ giành lấy tấm phiếu MUA HÀNG MIỄN PHÍ một gói cà phê dù bạn không uống và không có cả máy pha cà phê? Tại sao chúng ta vui mừng khi làm một việc gì đó, nhưng lại không vui khi được trả tiền để làm việc đó? Tại sao một viên aspirin 50 xu có thể làm được điều mà một viên aspirin 1 xu không thể làm được?
Đó chỉ là 3 trong số những câu hỏi về sự “khó hiểu” trong hành vi của con người. Bằng cách đặt câu hỏi ở đầu chương, Dan Ariely vừa khiến người đọc háo hức muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, vừa tóm tắt nhanh gọn chủ đề của cả chương sách.

Không chỉ đặt những câu hỏi thú vị, tác giả còn khéo léo lồng ghép những thí nghiệm khoa học vào từng vấn đề đang được bàn đến. “Phi lý trí” là một cuốn sách khoa học kinh tế, nhưng không hề khô khan với hàng mớ lý thuyết khiến độc giả đau đầu, mà cực kỳ dễ nắm bắt qua những nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Dan Ariely và các đồng sự. Chỉ bằng cách đọc qua những thí nghiệm đơn giản và kết quả thu được, người đọc có thể dễ dàng hình dung ngay lập tức nguyên lý ẩn sau đó mà gần như chẳng cần phải học quá nhiều thuật ngữ kinh tế.
Và để cho quyển sách thêm phần thú vị, tác giả chẳng đã đem những câu chuyện từ ngụ ngôn đến thực tế cuộc sống để minh họa cho những lý thuyết được nói đến (chuyện những con ngỗng nhận một nhà khoa học làm mẹ (!), chuyện cô sinh viên và hai cậu bạn trai, chuyện anh chàng trả tiền cho bữa tối của mẹ vợ, v.v.) Mỗi câu chuyện kể trên đều có vẻ tức cười nhưng lại cực kỳ hữu ích cho việc khám phá những nguyên lý phức tạp của kinh tế vi mô được đề cập đến trong quyển sách.
Tác giả Dan Ariely đã chuyển tải những quan sát thú vị của mình nói riêng và nội dung khái quát của Kinh tế học hành vi nói chung, đồng thời phản bác lại quan điểm của kinh tế học truyền thống rằng con người là những thực thể lý trí.
Qua những thực nghiệm kỳ lạ về các sự kiện quen thuộc trong cuộc sống, ông đã đưa ra kết luận đầy thách thức: hành vi của chúng ta đều phi lý trí, nhưng phi lý trí có hệ thống và có thể dự đoán được. Chính thứ hành vi vô cùng phức tạp và kỳ quặc này của con người là một trong những kỳ quan của vũ trụ.
Trong chia sẻ của Nassim Nicholas Taleb, tác giả “Thiên Nga Đen” trên tờ New York Times nhận xét: “Phi Lý Trí là một cuốn sách tuyệt vời, giúp mở rộng tầm mắt. Nội dung sâu sắc, dễ đọc và cung cấp bằng chứng mới chứng minh rằng có những lĩnh vực và tình huống mà tâm trí hoạt động theo những cách không mong muốn.”
Nếu bạn muốn biết tại sao con người lại cư xử phi lý trí như hay trì hoãn, ăn quá nhiều, tiêu quá trớn, và làm sao có thể tránh được chúng thì đừng bỏ lỡ cuốn sách nay. Cuốn sách cũng đặc biệt cần thiết cho ai quan tâm tới tâm lý học xã hội và hành vi ra quyết định của con người nói chung.
Thông điệp cao đẹp cuối cùng từ cuốn sách “Phi lý trí” mà tác giả Dan Ariely muốn gửi gắm đó là: Ai trong chúng ta cũng có “điểm mù” và hãy tự rút ra bài học cho bản thân từ những hành động phi lý trong qua khứ và từ đó hướng đến một cuộc sống hoàn thiện hơn. Với những ví dụ minh hoạ chân thực, những câu hỏi xoáy sâu vào tâm trí con người, cả những bóc tách chân thực về sự phi lý của mỗi cá nhân, đây thực sự là cuốn sách mà bất kỳ ai cũng nên có trong tủ sách của mình, để chiêm nghiệm, để tự trả lời những câu hỏi và trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Bạn vừa lắng nghe review cuốn sách “Phi Lý Trí” của tác giả Dan Ariely được phát trên kênh Tulato. Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ hãy nhấn subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại ở những bài review tiếp theo!
