Thiền tập từ những điều giản đơn trong cuộc sống hàng ngày
Bạn có nhận ra rằng cuộc sống của mình ngày càng trở nên bận rộn hay không? Bạn vội vã đi làm từ sáng đến tối muộn, không có nổi một phút giây thư thả cho cả tâm hồn lẫn thể xác được ngơi nghỉ. Bạn nhìn lại xung quanh, và nhận thấy dường như ai cũng bị cuốn vào guồng quay của sự tất bật và cả bạn hay họ đều không biết phải làm cách nào mới có thể thoát ra được.
Bạn có nhớ lần gần đây nhất, khi bạn ngồi lại và nhìn nhận bản thân mình, hít một hơi thật sâu, thở từng nhịp chậm rãi là khi nào không? Bạn đã bao giờ thực sự chăm chút cho những cảm xúc bên trong mình hay chúng đã cùng ngủ quên với sự mỏi mệt sau một ngày dài vất vả của bạn mất rồi.
Có lẽ đã đến lúc bạn cần một chút thời gian và không gian tĩnh lại, cho bản thân sống chậm lại một nhịp, sống an lạc bằng cách tận hưởng từng phút giây giản đơn của cuộc đời. Nếu vậy, cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” được chắp bút bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là dành cho bạn.
“Phép lạ của sự tỉnh thức” là một trong rất nhiều cuốn sách về tâm linh, thiền tập của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, nhận được sự công nhận và yêu mến của vô vàn độc giả trong và ngoài nước.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo) sinh ra ở Huế, đến năm 16 tuổi thì xuất gia theo Thiền tông và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Không chỉ là một thiền sư, ông còn là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và người vận động cho hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” với quan điểm “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.”
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng, Am mây ngủ, Đường xưa mây trắng, Trái tim của Bụt…

Phép lạ của sự tỉnh thức là một cuốn sách nhập môn cho người mới biết đến thiền, cuốn sách tập hợp các phương thức luyện tập thiền quán màu nhiệm trong đời sống hàng ngày. Khi thực hiện được những phương pháp này chúng ta sẽ cảm nghiệm được chánh niệm trong từng hơi thở. Và ánh sáng của chánh niệm sẽ đưa chúng đến sự an lạc, bình yên và hạnh phúc đích thực.
Cuốn sách được trình bày dưới hình thức bức thư của thiền sư gửi cho một người tên Thiều. Trong sách, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích cho ta hiểu “chánh niệm” là gì, “tỉnh thức” là trạng thái ra sao, và làm sao để “quán thân, quán tâm” – tức là quan sát tâm trí mà không níu kéo hay phán xét nó. Bởi thiền sư nói “khi thực hành chánh niệm, ta đóng vai trò như người gác cổng của nhà vua, ta biết ý nghĩ nào đi vào, ý nghĩ nào đi ra, ý nghĩ nào ở lại, ta có thể mở cổng hay đóng cổng, giữ một suy nghĩ ở lại hay thả ra. Nhưng ví dụ như thế vẫn chưa thật chính xác, vì suy nghĩ ấy là ta mà người gác cổng cũng là ta. Cho nên xua đuổi hay níu kéo không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng là nhận biết. Sự quan sát này là sự quan sát không đối tượng hoá, tức là không phân biệt chủ thể và đối tượng.”
Cuốn sách này không có quá nhiều các kiến thức cao siêu mà lại rất gần với đời sống của mỗi chúng ta. Lật mở từng trang của cuốn sách nhỏ này, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của những bác sĩ, những bà nội trợ, những cô bác công nhân, những kỹ sư,… Và cho dù ở vị trí công việc nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng đều có thể thực hành qua những phương pháp thiền quán đơn giản mà cuốn sách đề cập đến.
Không những thế, qua 19 câu chuyện được lấy ra từ cuộc sống hàng ngày, và những con người vô cùng bình dị, thiền sư đã chỉ cho Thiều biết rằng, không có việc gì là nhỏ bé, và không gì là không thể nếu chúng ta biết cách. Dẫu cho phải làm những việc vặt không tên, và chẳng thú vị như rửa bát, giặt giũ, nấu cơm,… nhưng nếu thực hiện tự tâm toàn vẹn trong từng giây phút hiện tại thì bạn sẽ thấy được phép lạ.

Khi nhắc đến “tỉnh thức”, “chánh niệm”… có lẽ với nhiều người thì đây vẫn còn là những khái niệm mơ hồ, khó cắt nghĩa. Thế nhưng, sau khi đọc xong cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” ta sẽ nhận thấy những điều ấy luôn hiện hữu xung quanh ta. Cuốn sách không vẽ ra một viễn cảnh hay thiên đường đẹp đẽ, mà mang đến cho chúng ta một thông điệp sống vô cùng đẹp rằng: ta sẽ hạnh phúc hơn nếu biết rằng mình đang thở, đi trên mặt đất, được cười nói, pha trà, rửa bát, quét nhà,…
Thay vì lo lắng được mất, thiệt hơn, thay vì tính toán thời gian, của cải. Thay vì đặt ra những câu hỏi như: Thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc? Nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng? Công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện? Thì bạn nên dành thời gian cho lòng mình tĩnh lại, lắng nghe và quan sát xung quanh, để tỉnh thức và nhận ra rằng tất cả những gì bạn cần vẫn luôn hiện hữu xung quanh bạn, từ nhỏ bé đến lớn lao…
Dù cho đó là những công việc mà bạn tưởng chừng vô nghĩa, thì thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng, việc nào cũng quan trọng cả. “Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc”.
Người nào cũng quan trọng hết. “Nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai”.
Và, đặc biệt là “Chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta”. Tất cả làm nên ý nghĩa chính của đời sống.

“Nẻo về của ý” đã mang đến cho chúng ta nhiều câu chuyện, mà từ đó ta sẽ rút ra cho mình vô vàn những bài học, trong đó phải kể đến những bài học quan trọng như: Hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta một cách lớn lao và chính nó, đã xây dựng cho ta một cái tôi, không phải cái tôi đích thực của bản thân mà là cái tôi của xã hội. Hành trình tìm thấy cái tôi đích thực là cuộc chiến dữ dội giữa hai cái tôi không đồng nhất. Mà ở đó chúng ta sẽ bị xé nát nhiều lần và đau đớn. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc chiến, thì ta lại càng đến gần hơn cái chân lý, đó là trái ngọt của sự đớn đau ấy.
Nếu bạn đang tìm muốn cuốn sách để chữa lành cho tâm hồn còn chồng chất tổn thương, hay mang đến phút giây tĩnh lặng để nghỉ ngơi giữa cuộc sống bộn bề này thì Nẻo về của Ý sẽ là tấm vé dành cho bạn. Khép cuốn sách nhỏ này lại, trong tim mỗi độc giả chúng ta đều cảm thấy vô cùng an yên. Tiếng chim hót trên núi cao, tiếng lá nhẹ rơi bên hiên nhà. Tiếng những con suối róc rách và hạt nắng len lỏi qua tán cây… Những bình yên như thế, ta khó có thể nào tìm được khi không dành phút giây tĩnh lại để nhìn nhận bản thân mình và thế giới xung quanh.
Hy vọng khi tìm đến với “Nẻo về của ý”, các bạn cũng sẽ tìm thấy một Phương Bối am cho tâm hồn mình. Để nó nhẹ tênh, tĩnh lặng và hiện hữu như một chốn tâm linh cho bạn nương nhờ giữa thế gian vốn dĩ đã quá nhiều tạp âm.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Nẻo về của ý” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like,chia sẻ để có thể đón xem những bài viết sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
