Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
OKRs hay Objectives and Key Results là phương pháp quản trị mục tiêu hiệu quả đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là tại các công ty công nghệ như Twitter, LinkedIn, Airbnb, Spotify. Mục đích chính của OKRs chính là kết nối tổ chức, bộ phận và cá nhân để cùng đi đúng hướng đã định ra. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã đưa OKRs vào tổ chức của mình cũng bởi những lợi ích tuyệt vời mà mô hình này đem lại. Tuy nhiên, làm sao để áp dụng thành công OKRs thì không phải câu chuyện đơn giản đem tới kết quả trong thời gian ngắn. Đã có quá nhiều tổ chức vô cùng hứng khởi với OKRs nhưng không thu lượm được kết quả tốt đẹp.
Nếu bạn quan tâm tới việc tìm hiểu và ứng dụng OKRs vào tổ chức của mình, hãy tham khảo cuốn sách “OKRs, Hiểu đúng làm đúng” của tác giả Mai Xuân Đạt. Cuốn sách này không đem tới những quan điểm mới về OKRs nhưng chắc chắn là một cuốn cẩm nang thực chiến OKRs đặc biệt dành cho doanh nghiệp tại Việt Nam. OKR Hiểu đúng làm đúng chính là tổng hợp những bài học xương máu của chính tác giả, giúp các tổ chức có thể áp dụng OKRs thành công ngay từ bước khởi đầu.

“OKRs đã thực sự biến tôi từ một quản lý nghiệp dư thành một quản lý thành công, hiểu rõ những vấn đề của tổ chức mình và ra quyết định sáng suốt hơn.” – Ông Mai Xuân Đạt, tác giả cuốn sách OKR Hiểu đúng làm đúng đã chia sẻ.
Xuất phát điểm là một người đam mê khởi nghiệp, đã tự mình thành lập ra các doanh nghiệp và không ngừng miệt mài tìm hiểu các phương pháp quản trị nhằm tạo ra các tập thể hiệu suất cao. Ông Mai Xuân Đạt, CEO SEOs Ngon và VNOKRs đã Lựa chọn OKRs là phương pháp quản trị Mục Tiêu chủ yếu cho các doanh nghiệp của mình và gặt hái được những thành tựu vô cùng nổi bật.
Chia sẻ về lý do ra mắt cuốn sách OKR Hiểu đúng, làm đúng. Tác giả MAi Xuân Đạt cho biết: “Tôi đã gặp và tư vấn cho rất nhiều CEO về OKRs. Hầu hết họ đều có những suy nghĩ, đánh giá nhầm lẫn về OKRs như: OKRs không phải mô hình phù hợp với tính chất nhân sự Việt Nam, OKRs chỉ phù hợp với các doanh nghiệp về công nghệ, sáng tạo. Sự hiểu lầm đó khiến nhiều nhà quản lý bỏ lỡ OKRs – công cụ quản trị mục tiêu thực sự hiệu quả. Điều đó thôi thúc tôi viết cuốn sách “OKRs – Hiểu đúng, Làm đúng” với mong muốn giúp các doanh nghiệp có thể hiểu và yêu quý OKRs. Khác những tài liệu nước ngoài thiên về nguyên lý cốt lõi, cuốn sách này mang đến những lý giải về OKRs ở khía cạnh thực tế và dễ hiểu nhất để bất kỳ ai nào cũng thể “hiểu đúng” và “làm đúng”.”
Con đường đưa ông Mai Xuân Đạt tới OKRs khởi nguồn từ chính tình trang hoạt động kinh doanh công ty mình đang điều hành. Ông chia sẻ trước khi áp dụng OKRs, doanh nghiệp của ông dù vẫn kiếm ra tiền, nhưng tình hình công ty rất tệ. Nhân sự nhận việc sếp giao nhưng có thể không làm, không chủ động làm, lại hay cãi nhau. Không có việc gì cũng cãi nhau, thậm chí cãi nhau với khách. Việc gì sai cũng do lỗi của khách hàng hết.
“Tôi toàn phải đi xử lý sự cố cho các bạn ấy. Rồi công ty có lãi thì do nhân viên, lỗ thì do sếp. Lúc đó tôi rất “thù ghét” nhân viên, tôi thấy mình làm đến nỗi không có thời gian để ngủ, mà tại sao đến công ty thấy nhân viên làm việc chán đến vậy. Bên ngoài nhìn vào thì thấy công ty rất là ngon; nhưng thực ra tôi thấy mình làm giám đốc rất khổ sở. Và đỉnh điểm của việc đó là tôi đã “dỗi” cả công ty và không đến công ty nữa. Tôi bảo là mọi người làm gì thì làm, công ty sập thì thôi, còn tôi không điều hành được nữa. Nhân viên đến nhà tôi không tiếp, chỉ có bạn hành chính đến xin chữ ký thì tôi mới gặp”, ông Đạt chia sẻ.
Sau 4 quý đào tạo và áp dụng OKRs quyết liệt vào doanh nghiệp với tuyên ngôn “hoặc là OKRs hoặc là không gì cả”, doanh nghiệp của ông Đạt đã thu được quả ngọt từ phương pháp quản trị này.
“OKRs Hiểu đúng, làm đúng” bao gồm sáu phần lớn nói về câu chuyện của chính tác giả và lồng ghép vào trong đó những kinh nghiệm thực hiện OKRs mà tác giả đã rút ra được trong quá trình nghiên cứu và triển khai cho những công ty của mình. Từ đó giải tỏa các thắc mắc về OKRs và đưa ra hướng dẫn để giúp cho việc ứng dụng OKRs vào doanh nghiệp được dễ dàng hơn.
Bắt đầu vào phần 1, tác giả đã đặt ra câu hỏi “Mình có đúng là một giám đốc không?”. Đây là câu hỏi mà tác giả đã tự đặt ra cho mình trong suốt 8 năm làm giám đốc và có thể cũng là câu hỏi mà rất nhiều CEO đang tự đặt ra cho mình.
Trong phần mở đầu này, tác giả Mai Xuân Đạt chia sẻ lại câu chuyện tìm đến với OKRs của mình. Bắt đầu từ việc công ty của tác giả phát triển một cách nhanh chóng và dần trở nên mất kiểm soát. Bản thân tác giả là một CEO nhưng luôn phải đứng giữa các lựa chọn không biết làm điều gì trước, điều gì sau.
Nội bộ thì luôn gặp vấn đề, ngay cả những yêu cầu nhỏ từ giám đốc nhưng cũng chỉ có một nửa thành viên hoàn thành đúng. Bản thân tác giả cũng đã đi tìm kiếm và áp dụng nhiều phương pháp để quản trị nhưng cũng không thành công và đỉnh điểm là tác giả đã quyết định “bỏ mặc” tất cả, thậm chí là đã nghĩ đến việc tạm dừng công việc kinh doanh lại.
Trong thời gian “buông xuôi”, tác giả đã tình cờ đọc được về phương pháp OKRs (Objective and Key Results) – cách thức mà Google sử dụng để quản lý mục tiêu của họ. Sau khi tìm hiểu kỹ về OKRs, nhận thấy rằng OKRs sẽ là một phương pháp hiệu quả có thể giải quyết được những vấn đề của các nhà quản trị, tác giả Mai Xuân Đạt đã viết cuốn sách “OKRs hiểu đúng làm đúng” để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng hơn vào OKRs và sớm đưa thành công OKRs vào tổ chức của mình.

Bước sang Phần 2 của cuốn sách, tác giả Mai Xuân Đạt đã chỉ ra các Thói quen cản trở OKRs và Lo lắng phổ biến của người quản lý
Trong phần này tác giả đưa ra những vấn đề phổ biến nhất mà những người lãnh đạo các công ty thường hay lo ngại đối với OKRs như: Nhân viên thiếu cam kết, Nhân viên không có động lực, Nhân viên thiếu chủ động.
Hay những thói quen cản trở OKRs của các nhà quản lý: Thói quen giao việc (chuyên quyền), Thói quen ngại giao tiếp, Tính hay thay đổi của Sếp.
Tất cả vấn đề này đều được tác giả lý giải và giải quyết bằng các nghiên cứu khoa học như: các điều kiện để tạo ra sự cam kết, tháp nhu cầu của Maslow hay 7 bước giao việc hiệu quả của Bob Johnson.
Sang tới Phần 3, tác gỉả đi sâu vào Bàn về lợi ích của OKRs
Tại phần này tác giả Mai Xuân Đạt đưa ra những hiểu lầm phổ biến đối với OKRs gây ra việc không tin tưởng và thất bại với OKRs. Sau đó là giới thiệu và hướng dẫn rất kỹ về hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện thành công OKRs đó là CFRs và Check-in.
Bước tới Phần 4, tác giả giúp người đọc hình dung được về những điều kiện cần thiết để các tổ chức thực hiện OKRs một cách thuận lợi, tránh những sai sót phổ biến và phát huy tối đa sức mạnh của OKRs.
Bạn có thể nghe đâu đó rằng “Làm OKRs dễ, OKRs rất đơn giản”. Đúng vậy OKRs rất đơn giản nhưng là khi so sánh với các công cụ quản trị khác. Tác giả Mai Xuân Đạt cũng nhấn mạnh rằng “OKRs vẫn rất khó, dù sao thì đây vẫn là một vấn đề liên quan đến phạm trù doanh nghiệp, không phải là một bài thực hành quản lý nhỏ”. Vì vậy để bắt đầu với OKRs bạn cần có một số điều kiện và sự chuẩn bị.
Tới Phần 5, anh Mai Xuân Đạt đã trình bày 10 bước xây dựng OKRs và Phương pháp OKR 3 chiều để phù hợp với các doanh nghiệp mới bắt đầu áp dụng OKRs và cũng là để đảm bảo đầy đủ tính liên kết đa chiều.
Tác giả cũng rất cẩn thận khi đưa ra những điều quan trọng cần lưu ý cho từng bước để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và nhân sự Việt Nam, giúp các doanh nghiệp dễ dàng áp dụng.
Phần 6: Bàn về các câu hỏi thường gặp
Trong phần cuối này tác giả đưa ra và giải quyết những câu hỏi thường gặp liên quan đến OKRs như: Cách tính lương thưởng, so sánh giữa OKRs và KPI, OKRs và BSC, công cụ nào phù hợp giúp thực hiện OKRs… Đây là những câu hỏi mà phần lớn các tổ chức khi bắt đầu tìm hiểu về OKRs mong muốn được giải đáp.

Kết thúc cuốn sách tác giả Mai Xuân Đạt giới thiệu đến cho bạn đọc công cụ VNOKRs để triển khai OKRs hiệu quả, mà theo tác giả đó là “may mắn của tôi và các công ty của mình!”.
Giống như các doanh nghiệp khác khi bắt đầu triển khai OKRs bản thân tác giả là một CEO cũng có rất nhiều lo lắng. Liệu mọi người có tuân thủ kỷ luật OKRs? Mọi người có biết cách viết OKRs tốt? hay Làm thế nào để đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc của OKRs?…
Để thực hiện tốt OKRs bạn không thể quản lý một cách thủ công, bạn cần một phương pháp để giúp:
1. Tạo ra các quy tắc cứng với OKRs
2. Cần có một “công cụ” để thực hiện các quy tắc đó
3. Và quan trọng nhất đó là công cụ đó cần kiềm chế những hành vi sai
Cuốn sách được đánh giá là logic, mạch lạc, dễ hiểu, giúp tất cả các nhà quản lý, lãnh đạo quan tâm đến phương pháp quản trị này có thể hiểu rõ về bản chất những điều tốt đẹp nhất, hiệu quả nhất mà OKRs có thể mang lại, cùng các hướng dẫn chi tiết để có thể áp dụng thành công OKRs ngay từ lần đầu.
“OKRs – Hiểu đúng, làm đúng” có thể giúp các nhà lãnh đạo, nhà quản lý tìm hiểu cũng như áp dụng thành công phương pháp OKRs với doanh nghiệp của mình, tạo ra một môi trường làm việc có tính liên kết cao, nhân viên chủ động và cam kết với các mục tiêu, cải thiện hiệu suất và đạt được tốc độ phát triển như mong muốn.
Như trang Doanh Nhân Sài Gòn nhận định, Đây là cuốn sách đầu tiên về OKRs do một tác giả người Việt viết, dựa trên những lý thuyết bài bản về OKRs trên thế giới cùng với kinh nghiệm thực tế triển khai OKRs cho các Doanh nghiệp của tác giả, vì vậy nội dung rất phù hợp với cách làm việc của các Doanh Nghiệp Việt Nam.
Nếu bạn vẫn còn đang loay hoay để tìm cho mình một phương pháp quản trị phù hợp, chúng tôi nghĩ bạn nên thử tìm hiểu về OKRs và “OKRs Hiểu đúng làm đúng” của tác giả Mai Xuân Đạt là cuốn sách bạn không nên bỏ qua. Không như chúng ta thường nghĩ rằng Quản trị là nặng nề và mệt mỏi, OKRs sẽ mang đến những điều tích cực cho doanh nghiệp và biến lĩnh vực quản trị vốn đau đầu với các CEO trở nên đầy cảm hứng.
Bạn vừa lắng nghe review cuốn sách “OKRs-Hiểu đúng làm đúng” của tác giả Mai Xuân Đạt. Hi vọng bạn sẽ học được nhiều kiến thức hay từ video của Tulato.
Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Tạm biệt và hẹn gặp lại ở những bài review tiếp theo!”
