những mảnh ghép của một cuộc đời bí ẩn
Chào mừng bạn đến với Tulato – Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã một lần tìm cách níu giữ những ký ức của quá khứ, những mẩu hoài niệm của một thời tuổi trẻ đã phai nhòa để rồi cảm thấy ngậm ngùi và nuối tiếc. Trong “Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối”, đề tài này được tác giả Patrick Modiano đặt dưới ánh đèn Paris vào những năm 1950 và khám phá dưới góc nhìn của bốn nhân vật chính, tạo nên một câu chuyện tuy ngắn nhưng đầy bí ẩn và cảm xúc về ký ức, tình yêu và hối tiếc.
Được sinh ra vào những tháng kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ Hai, Patrick Modiano là một cây bút tiểu thuyết người Pháp với kho tàng tác phẩm bao gồm hơn 40 sáng tác. Đáng lưu ý hơn nữa, ông được trao tặng giải Nobel Văn chương năm 2014 cho những đóng góp văn học của ông và “nghệ thuật tạo hình ký ức của ông được sử dụng để gợi lên những số phận con người phi thường nhất và khám phá thế giới sống của nghề văn.” Tiểu thuyết của Modiano thường xoay quanh chủ đề đặc tính của con người, lòng trung thành, ký ức và nỗi đau mất mát.
“Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối” được hoàn thành và xuất bản vào năm 2007. Câu chuyện xoay quanh thân phận và quá khứ của một cô gái chỉ được biết đến với cái tên “Louki” và những hoài niệm của ba nhân vật góc nhìn còn lại, khi số phận của họ dần đan xen vào nhau ở một quán cafe Paris tên là Le Condé. Nơi đây là điểm tập hợp của nhiều nhà tri thức, nghệ sĩ trẻ tuổi của xã hội thượng lưu Paris, những người được bà chủ quán gọi là “những con chó lạc”, và cũng là nơi bất kỳ ai có thể đến và đi mà không hé lộ danh tính. Có lẽ vì vậy, một thân phận ẩn danh như Louki đã một ngày bước chân vào quán Le Condé…

Chỉ với 153 trang và bốn phần chính, truyện trích dẫn tựa đề từ một câu nói của triết gia Guy Debord: “Ở lưng chừng cuộc đời thực sống, quanh ta phủ xuống một tấm màn u sầu tăm tối, nó được diễn tả bằng bao lời lẽ nhạo báng và buồn thiu, ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.” Lấy cảm hứng từ bầu không khí u sầu đó, Modiano khắc họa một câu chuyện súc tích về cuộc đời của cô gái bí ẩn tên Louki. Câu chuyện bắt đầu ở chương 1 với góc nhìn của một anh chàng thư sinh, người có tình cảm thầm kín với cô. Đến chương 2, độc giả được giới thiệu với một nhân vật mới – một nhà nhiếp ảnh gia kiêm thám tử tư, người được chồng cũ của Louki thuê để điều tra tăm tích của cô. Hai chương sau của tiểu thuyết được kể dưới góc nhìn của chính Louki và sau đó là Roland, người tình của Louki. Ngoài Louki, mỗi nhân vật “tôi” trong từng chương đều có những trăn trở, vướng mắc riêng, chỉ được hé lộ qua những dòng tự sự lan man, úp mở.
Thật ra, lúc đầu không ai trong quán Condé biết danh tính hay tên thật của nàng nên chỉ đặt tên cho nàng như vậy. Các lá thư, manh mối và lời thuật ngắt quãng của Louki, Roland, nhà thám tử Caisley và chàng thư sinh đã dần làm sáng tỏ cuộc đời của cô nàng. Từ thuở bé, cô đã thiếu cha và cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống cùng người mẹ đơn thân, người thường đi làm bảo vệ ca khuya ở nhà hát Moulin-Rouge và bỏ mặc cô ở nhà một mình. Một đêm như vậy, Louki đã lẻn ra khỏi nhà để rồi làm quen với cuộc sống về đêm của Paris, gặp rắc rối với cảnh sát, cuối cùng đi đến một cuộc hôn nhân mà chỉ làm cô thêm trống rỗng.
Khác với bố cục thông thường của một tác phẩm tiểu thuyết, bốn chương của truyện không hình thành một chuỗi sự kiện tiếp diễn với đầu đuôi rành mạch, mà thay vào đó là ký ức phai nhòa được kể thông qua những đoản văn không theo một trình tự thời gian. Qua đó, thời gian và địa điểm, dù được miêu tả với sự chi tiết và tỉ mỉ siêu thực, thực chất mang vai trò khơi gợi cảm xúc nhân vật về sự kiện đã qua. Chẳng hạn như thông tin về danh tính, thói quen của các vị khách quán Le Condé khiến độc giả nhận ra rằng không ai trong số họ đều biết tên thật của nhau, hay bài tiểu luận của Roland về những “vùng trung tính” thể hiện cảm giác bồng bềnh, vô định của nhân vật này trong việc tìm ra ngã rẽ cuộc đời, với một “vùng trung tính” đại diện cho những địa danh ai cũng đặt chân đến và một ngày sẽ rời đi mà không bao giờ gặp lại. Ngoài ra, sự cô đơn và lẻ loi, sự sầu muộn và mong mỏi cũng được khám phá với chiều sâu qua độc thoại nội tâm nhân vật.

Vậy người đọc có thể rút ra bài học gì từ tiểu thuyết? Đó chính là: Sự lạc lối của tuổi trẻ là một điều không ai có thể tránh khỏi. Những người bạn ta gặp và làm quen bỗng dưng biến mất, những con đường và địa chỉ thân thuộc bị dời đi nơi khác hoặc xóa sổ vĩnh viễn. Cùng với đó, việc không hiểu rõ bản thân mình, như cách Louki từ bỏ những mối quan hệ cũ của mình để rồi trôi dạt đến Le Condé, cũng là một điều hiển nhiên ta nên chấp nhận và đương đầu.
Như cách từng mảnh đời riêng biệt của Louki được tiết lộ không chỉ qua góc nhìn của cô mà còn qua lời kể của người khác, tác giả cũng muốn nhắn nhủ rằng cuộc đời của mỗi người trong chúng ta không chỉ được định hình bởi tính cách, trải nghiệm và quyết định của riêng mình, mà còn qua mối quan hệ và tương tác của mình với những người khác. Ngoài ra, chính vì lối sống ở quá khứ và hiện tại của Louki lại rất trái ngược nhau, không ai nên đặt quá nhiều hi vọng rằng mọi thứ đều sẽ diễn ra như ý muốn, mà hãy sẵn sàng mở lòng đón nhận những điều không lường trước sẽ đến bất kỳ lúc nào.
Trong tiểu thuyết này, điểm sáng phải kể đến cách dàn dựng và miêu tả suy nghĩ nội tâm nhân vật của Modiano, qua đó phá vỡ giới hạn của phong cách tường thuật thông thường. Quyển tiểu thuyết mỏng này không phải là một mạch truyện vĩ mô với tình tiết kịch tính nhưng thay vào đó khám phá một cách gần gũi, thân mật những suy tư và cảm xúc của con người. Hơn nữa, những lời tự sự liên hồi của nhân vật góc nhìn cũng là một mô típ đặc trưng trong suốt bốn chương của tiểu thuyết, vẽ nên một bức tranh chân thật nhưng cũng đầy huyền bí của Paris năm 50-60 và những mảnh đời chông chênh trôi dạt của quán cafe Condé.
Trong số tất cả những dòng suy nghĩ của nhân vật, câu nói sau của Caisley dường như tóm tắt thông điệp của Modiano tốt nhất: “Trong cái cuộc đời đôi khi với ta thật giống một vùng đất rộng lớn hoang vu không biển chỉ đường này, ở giữa tất tật những đường hội tụ ảo và những chân trời đã mất, ta những muốn tìm các điểm mốc, dựng ra một dạng sơ đồ để không còn cảm giác mình phải lèo lái vô hướng nữa. Thế nên, ta dệt những kết nối, ta cố biến những gặp gỡ chẳng may trở nên vững chắc hơn.”

Tạp chí Télérama của Pháp đã bình luận về tác phẩm: “Trong “Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối”, Patrick Modiano đã biến quá khứ thành vật liệu thi ca của mình. Việc sắp xếp các mẩu ký ức không phải hành trình đi tìm thời gian đã mất mà đúng hơn là ý định giải mã bí ẩn con người. Chiều sâu của bí ẩn ấy đã nâng Patrick Modiano lên cùng hàng ngũ với những thi nhân vĩ đại nhất.”
Đối với những độc giả muốn chìm đắm vào một câu chuyện, thực sự bước chân vào vị trí của nhân vật và qua đó cảm nhận được từng cảm xúc với mọi giác quan của mình, đây chính là quyển sách lý tưởng dành cho bạn. Những ai đang chật vật với những ngã rẽ cuộc đời hay đang trải qua tuổi trẻ vô định, nhiều biến chuyển cũng sẽ tìm thấy ý nghĩa dành cho mình trong tác phẩm này. Trong xuyên suốt “Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối”, Modiano chứng minh rằng một mạch truyện lôi cuốn không nhất thiết phải luôn có mở đầu, cao trào và kết thúc. Bạn sẽ bước ra khỏi thế giới Paris này với rất nhiều tâm tư, bồi hồi và thấu cảm, nếu bạn trao cho nghệ thuật kể chuyện bậc thầy này một cơ hội.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
