khi sự tự do trở thành trói buộc
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
“Tự do” luôn là nhân tố hàng đầu để tạo nên một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc. Nó được thể hiện từ việc tự do trong việc quyết định mình sẽ trở thành ai, cho đến tự do lựa chọn những sản phẩm vật chất như quần áo, đồ ăn, điện thoại, vân vân. Con người thích tự do lựa chọn để làm chủ số mệnh của chính mình. Tuy nhiên, “tự do”, theo cách nhiều người vẫn hiểu, có phải lúc nào cũng tốt?
Có lẽ không có ai trả lời câu hỏi này tốt hơn Barry Schwartz, tác giả cuốn sách “Nghịch lý của sự lựa chọn”. Trái với ngộ nhận của nhiều người về ý nghĩa của tự do, Barry Schwartz tranh luận rằng tự do – khi con người đối mặt với quá nhiều lựa chọn, không phải lúc nào cũng là điều tốt. Thậm chí điều đó còn khiến con người cảm thấy chơi vơi, chán nản, mệt mỏi và thiếu hài lòng hơn trong cuộc sống. Sau khi trình bày những mặt trái của tự do lựa chọn, Barry Schwartz cũng không quên chỉ ra những giải pháp để chúng ta có thể tận dụng món quà của “tự do lựa chọn”.
Sau khi cuốn sách “Nghịch lý của sự lựa chọn” được xuất bản và hưởng ứng nồng nhiệt, Barry Schwartz, một giáo sư ngành Lý Thuyết Xã Hội và Hành Động Xã Hội, đã viết về đề tài quá tải lựa chọn cho nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times hay Scientific American; bên cạnh đó, ông cũng được phỏng vấn và xuất hiện trên các chương trình truyền hình, phát thanh và tạp chí trên khắp nước Mỹ, Anh, Ireland, Canada, Đức và Brazil.
Trong cuốn sách, tác giả đã trình bày về sự quá tải lựa chọn ở xã hội hiện đại Mỹ như một ví dụ điển hình nhất, đặc biệt khi chủ nghĩa tiêu thụ đang chiếm ưu thế trong tư duy và lối sống con người. Đứng trước vô vàn lựa chọn từ những vấn đề tinh thần cho đến vật chất, con người ngày càng trở nên nản chí, lãng phí nhiều thời gian để lựa chọn thứ mình muốn, và kể cả sau khi đã đưa ra quyết định lựa chọn, họ vẫn không thể hài lòng với điều đó.
Tác giả đã minh họa bằng một thí nghiệm đầy tính thuyết phục tên “Khi Lựa Chọn Gây Nhụt Chí”: trong một cửa hàng thực phẩm, một gian hàng bày bán 6 loại mứt khác nhau để mọi người nếm (nhưng không được mua hết cả 6 loại), và ở gian hàng kế bên có 24 loại mứt được bày bán, và mọi người có thể mua hết cả 24 loại. Kết quả rất bất ngờ: 30% số khách hàng bên 6 loại mứt đã mua một lọ, trong khi ở bên 24 loại, con số chỉ là 3%.

Đó là một ví dụ điển hình, rằng chúng ta không chỉ cảm thấy dày vò vì những quyết định lớn lao, mà cả những lựa chọn hết sức bình thường cũng khiến chúng ta phải tiêu tốn thời gian và năng lượng của mình.
Vậy bài học về sự lựa chọn được Barry giảng giải cụ thể như thể nào thông qua cuốn Nghịch lý của sự lựa chọn?
Ở phần I, tác giả sẽ nói về một loạt những lựa chọn mà người ta gặp hàng ngày đang tăng dần trong những năm gần đây.
Phần II tập trung vào cách chúng ta chọn lựa và quá trình đưa ra những lựa chọn sáng suốt khó khăn và đòi hỏi như thế nào. Đặc biêt đối với những người cầu toàn.
Phần III sẽ dành để nói về tại sao và cách thức chúng ta bị ảnh hưởng từ lựa chọn. Phần này đặt vấn đề liệu rằng càng có nhiều cơ hội lựa chọn có thật sự làm người ta hạnh phúc hơn hay không và kết luận luôn rằng thường thì không được như vậy. Nó cũng nhận diện vài quá trình tâm lý không khiến chúng ta cảm thấy khá hơn như: phải thích nghi, hối tiếc, bỏ lỡ cơ hội, tăng kỳ vọng, cảm thấy thiếu thốn so với người khác.
Cuối cùng, ở phần IV, tác giả đưa ra một loạt đề nghị để tận dụng những mặt tích cực và tránh đi những mặt tiêu cực trong tự do lựa chọn hiện đại của chúng ta.
Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ đọc được hàng loạt những kết quả nghiên cứu từ các nhà tâm lý học, kinh tế học, nghiên cứu thị trường, và các nhà khoa học quyết định. Hết thảy đều liên quan đến lựa chọn và đưa ra quyết định. Có những bài học quan trọng rút ra từ những nghiên cứu này, một số không rõ ràng lắm, và thậm chí có một số phản trực giác.Tựu chung lại, qua cuốn sách này, Barry Schwartz đã chỉ ra 3 vấn đề của việc quá tải lựa chọn như sau:
1. Càng nhiều lựa chọn, càng khó đưa ra quyết định tốt
Việc bị giới hạn lựa chọn khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn vì không phải dành quá nhiều thời gian để cân nhắc những gì được bày ra trước mắt – hay nói cách khác, chúng ta ít phải thích nghi với những cái mới.
Nhưng khi ngoài kia có vô vàn lựa chọn, từ hãng bảo hiểm cho đến hình thức nghỉ hưu, ta sẽ phải trang bị kiến thức về rất nhiều thứ một lúc để có thể phân biệt và đánh giá, lựa chọn thứ phù hợp với mình. Giữa một rừng lựa chọn như thế, cũng có khả năng cao sẽ có kẻ muốn luồn lách để chuộc lợi từ chúng ta. Tuy nhiên, việc đối mặt với quá nhiều lựa chọn như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy nản chí, phân vân và khó có thể đưa ra được quyết định đúng đắn.
2. Càng nhiều lựa chọn, càng dễ mắc sai lầm
Bị choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn, con người có thể, hoặc dựa vào ký ức chủ quan, hoặc những ảo tưởng, kỳ vọng trong tương lai, thay vì đánh giá nhu cầu thực tế của bản thân. Chính vì lý do này, chúng ta rất dễ bị mắc kẹt trong cảm giác hối tiếc vì lựa chọn “sai lầm” mà mình đã đưa ra.
3. Càng nhiều lựa chọn, càng cảm thấy kém hài lòng
Khi có nhiều cơ hội lựa chọn, con người cũng cùng lúc tăng lên những kỳ vọng và tiêu chuẩn của mình. Hãy tưởng tượng, trong một cửa hàng quần áo, bạn vừa thử được một chiếc áo rất đẹp và thoải mái nhưng giá cả không hợp túi tiền. Bạn tiếp tục thử một chiếc khác, lần này, mẫu áo dù rẻ nhưng không thể đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của bạn. Bây giờ bạn lại đặt chỉ tiêu tìm một chiếc áo “vừa đẹp đúng ý mình vừa rẻ”.

Có thể bạn sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc áo đó và buộc lòng phải chọn chiếc áo thấp hơn kỳ vọng của mình. Hoặc bạn đã tìm thấy chiếc áo có thể chấp nhận được nhưng sau khi tính tiền, bạn lại không ngừng nhẩm trong đầu những so sánh chiếc áo này với chiếc áo khác. Càng nhiều lựa chọn, kỳ vọng càng cao, và kỳ vọng càng cao, con người càng dễ cảm thấy hụt hẫng và kém hài lòng với lựa chọn của mình.
Thành ra việc có nhiều tự do trong lựa chọn lại khiến ta đau khổ nhiều hơn là vô tư và hạnh phúc. Cũng chính vì lẽ đó, dù cuộc sống con người ngày càng trở nên giàu có với vô vàn lựa chọn về sản phẩm, giáo dục và cả bản sắc của mình, con người dường như vẫn không hạnh phúc hơn, thậm chí các bệnh tâm lý như trầm cảm lại có xu hướng tăng cao. Trong tác phẩm văn học kinh điển “The Bell Jar” (Quả chuông ác mộng) của Sylvia Plath, nhân vật chính, Esther Greenwood, mắc phải căn bệnh trầm cảm đã có những lời tâm sự như sau:
“Tôi thấy chính mình đang ngồi trên chạc của cây vải này, người đói lả, chỉ vì không thể quyết định mình sẽ chọn trái nào. Trái nào trong số đó tôi cũng muốn, nhưng chọn một trái nghĩa là bỏ lỡ số còn lại, thế nên tôi ngồi trơ đó, băn khoăn chọn lựa, rồi những trái vải bắt đầu nhăn nheo sạm màu, từng trái, từng trái một rụng rơi xuống chân tôi”.
Nếu giống như Sylvia, bạn luôn lo âu và dằn vặt mỗi khi phải lựa chọn từ việc thông thường nhất đến những quyết định quan trọng khác thì cuốn sách sẽ lý giải cho bạn vì sao ra quyết định đối với bạn lại khó khăn đến như vậy.
Còn nếu bạn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực tâm lý học xã hội, là fan cứng của Phi lý trí, Tư duy nhanh và chậm thì Nghịch lý của sự lựa chọn sẽ trang bị thêm kiến thức mới cho bạn.
Như Martin Seligman – Tác giả cuốn sách Hạnh phúc đích thực nhận định, Nghịch lý của sự lựa chọn là Một tác phẩm buộc phải đọc. Một cuốn sách mang tính cách mạng và trí tuệ về vô số những lựa chọn vốn chẳng mang lại lợi ích nào cho người tiêu dùng.
Còn bạn thì sao, bạn đã sẵn sàng đi tìm lời giải cho câu hỏi Tại sao nhiều hơn lại ít hơn trong “Nghịch lý của sự lựa chọn” của tác giả Barry Schwartz chưa. Đừng bỏ cuốn sách tâm lý học xã hội hấp dẫn này nhé.
Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Nếu thích những nội dung chúng mình chia sẻ hãy nhấn subscribe để có thể tiếp tục lắng nghe những review sắp tới nhé!
