Bình an thực sự là đến từ tâm
“Có bình an, hạnh phúc
Chúng ta sẽ tươi như một đóa hoa
và mọi người chung quanh ta
Từ gia đình cho đến xã hội
Ai cũng được thừa hưởng”
Đó là những lời mở đầu trong cuốn sách “Muốn an được an” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chỉ từ vài câu từ ngắn ấy đã thấy được sự bình an trân quý đến dường nào. Có thể nói, sau hạnh phúc, thì bình an là điều mà ai cũng mong ước, theo đuổi.
Nhưng bạn định nghĩa bình an như thế nào?
Phải chăng bạn sẽ có được bình an khi ta giàu có, đạt được nhiều danh lợi? Hay bình an là khi bạn và gia đình bạn luôn khỏe mạnh? Có thể bạn sẽ có những câu trả lời cho riêng mình nhưng đến với cuốn sách “Muốn an được an” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bạn lại có được một cách lí giải, một định nghĩa mới về bình an theo lối nghĩ của Phật tử.
Có lẽ chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần nghe đến tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải không ạ? Tờ New York Time đã nhận xét rằng: “Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma”.
Thiền sư đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, truyền bá Phật pháp. Tinh thần, tâm huyết và những bài học về triết lý nhân sinh của Thiền sư đã được trao truyền qua hơn 120 cuốn sách. Và cuốn “Muốn an được an” mà Tulato sẽ cùng các bạn tìm hiểu ngày hôm nay là một trong số đó.

Năm 1987, cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên với tên tiếng Anh là Being Peace. Tới nay được đánh giá là một tác phẩm mẫu mực của văn học tôn giáo đương đại. Tác phẩm được sư cô Chân Hội Nghiêm chuyển sang tiếng Việt trong lần phát hành đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Sách Thái Hà, ngay từ khi nhận được bản thảo của cuốn sách này đã đọc đi đọc lại vài lần từng dòng, từng chữ để rồi phải giật mình nhận ra mình may mắn nhường nào khi biết đến “Muốn an được an”.
Đây đích thị là cuốn sách dành cho những độc giả đang muốn tìm sự bình yên trong tâm hồn. Cuốn sách thiên về giáo dục Phật tâm nhưng không nặng giáo điều. Cùng với đó là cách hành văn đơn giản, nhẹ nhàng, cuốn sách sẽ giúp bạn dễ dàng thực hành các phương pháp thực tập trong sách vào cuộc sống thực tế.
Nội dung cuốn sách gồm 7 phần chính:
-
Phần 1: Cuộc sống không chỉ có khổ đau
-
Phần 2: Ba viên ngọc quý
-
Phần 3: Cảm thọ và tri giác
-
Phần 4: Trái tim thiền tập
-
Phần 5: Làm việc cho hòa bình
-
Phần 6: Tương tức
-
Phần 7: Thiền tập trong đời sống hàng ngày.
Sau khi đi qua hết 7 phần của cuốn sách, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Bình an là gì?”.
Bình an chỉ xuất hiện khi lòng ta an – Đó là câu trả lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho câu hỏi trên. Có thể thấy một thực tế rằng: rất đông người trong số chúng ta đi chùa cầu an. Nhưng có cầu nhiều lần thế nào đi chăng nữa mà trong tâm ta không muốn an thì cuộc sống sẽ chẳng thể nào an được.
Và ngay cả tựa đề cuốn sách cũng đã nói rõ: “Muốn an được an”. Điều cốt yếu, lòng ta phải “muốn” an thì bình an mới tới với chúng ta, chẳng do ai hay một yếu tố nào quyết định thay cả.

Trong phần 1 của cuốn sách, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho người khác, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình.”
Nhưng có phải cuộc sống hiện đại khiến ta khó có được bình an?
“Chúng ta quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để nhìn mặt những người ta thương, kể cả những người trong gia đình ta. Ta cũng không có thời gian để nhìn lại chính mình. Xã hội đã tạo ra một lối sống mà ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, ta cũng không biết cách trở về tiếp xúc với bản thân. Ta đánh mất thời gian quý giá của ta bằng cả triệu cách: mở tivi ra xem, nhấc điện thoại lên gọi, nổ máy xe đi đâu đó… Chúng ta không quen đối diện với chính mình, chúng ta chán ghét bản thân và muốn chạy trốn khỏi bản thân.”
Thật vậy, trong cuộc sống hiện đại, có cả hàng ngàn thứ như âm nhạc, phim ảnh, sách báo… kết hợp, hòa trộn lôi kéo ta đi, khiến ta ngày càng xa rời bản thân, bị cuốn đi bởi những tác động bên ngoài. Khi đó, hai chữ “an yên” là một điều gì đó quá xa xỉ. Chúng ta bị tác động bởi vô số thứ xung quanh khiến chúng ta bất an. Có những nỗi bất an chúng ta đã giải quyết được, nhưng rồi một nỗi bất an khác lại tới. Chuỗi bất an cứ như vậy diễn ra, không bao giờ ngừng nghỉ cả.
Những lúc bất an như vậy, cuốn sách của Thiền sư có thể sẽ giúp bạn với các câu nói như:
“An trú trong hiện tại” – Khi ngồi đây bạn không nghĩ đến một nơi nào khác. Không nghĩ đến quá khứ hoặc tương lai. Bạn ý thức nơi mình đang ngồi.
“Giây phút đẹp tuyệt vời.” – Đây là giây phút duy nhất có thật. Có mặt ngay bây giờ, ở đây và sống hết lòng với giây phút hiện tại là công việc quan trọng nhất của ta.

Tiếp đến, Thiền sư sẽ giúp bạn nuôi dưỡng bình an trong tâm.
Bình an có sẵn trong tâm, chúng ta chẳng cần tìm đâu xa, mà tự tìm bình an trong chính tâm hồn mình. Để nuôi dưỡng bình an trong tâm, bạn hãy bắt đầu từ việc thiền. Thiền rất giản đơn, có thể thiền tập ở bất cứ đâu và bất cứ giờ nào trong ngày. Thiền không có nghĩa là vào rừng ẩn tu hay trốn tránh xã hội.
Tại sao thiền lại giúp bạn tìm được bình an trong tâm mình? Bởi khi thiền, chúng ta không còn chạy trốn khỏi bản thân nữa mà trở về với chính mình để thấy được những gì đang xảy ra, vì chỉ điều gì đang xảy ra mới là điều quan trọng nhất.
Thiền sư cũng đã chỉ rõ: chúng ta phải thiền tập trong trạng thái vui tươi. Phải cười nhiều mới thiền tập được.
Khi ngồi thiền, đi thiền, chúng ta có thể đọc thầm: Tĩnh lặng, Mỉm cười, Hiện tại, Tuyệt vời; hoặc sử dụng những phương pháp khác, như phương pháp đếm hơi thở. Thở vào đếm một, thở ra đếm một. Thở vào đếm hai, thở ra đếm hai. Vào đếm ba, ra đếm ba. Cho đến mười. Sau đó đếm ngược lại từ mười xuống chín, tám, bảy… Đếm hơi thở là một trong những phương pháp giúp ta dễ định tâm và biết được mức độ định tĩnh của ta.
Mục đích của thiền đi là có mặt trong giây phút hiện tại và thưởng thức từng bước chân của mình. Vì vậy ta phải rũ bỏ tất cả những lo lắng buồn phiền, đừng nghĩ về tương lai, đừng nghĩ về quá khứ, chỉ tận hưởng giây phút hiện tại.
Tulato tin rằng với những hướng dẫn chi tiết trong cuốn sách “Muốn an được an” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bạn sẽ lắng nghe được tiếng nói sâu thẳm của chính bản thân mình và biết được cách thiền tập để vơi đi những nỗi bất an, từ đó tìm được sự bình an tự trong tâm.
Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
