khi mắng cũng là một kỹ năng
Chào mừng bạn đến với Tulato – Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Nếu bạn đang gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con cái, bạn không thể tìm được tiếng nói chung để có thể trò chuyện tâm sự, thấu hiểu con hơn hay công việc quá bận bịu khiến bạn không thể dành nhiều thời gian cho con để quan tâm con đúng cách, đúng mực; có thể thứ bạn đang tìm kiếm là một phương pháp dạy con khoa học hơn, hợp lý hơn, giúp con phát triển tinh thần một cách khỏe mạnh. Vậy thì ngày hôm nay hãy đồng hành với Tulato khám phá cuốn sách Mắng con đến đâu là vừa của tác giả Aiko Shibata và cùng tìm ra câu trả lời cho những mối băn khoăn trên nhé!
Aiko Shibata sinh năm 1948 tại Tokyo, bà là đại diện của câu lạc bộ trẻ em Ringo no ki. Bà đã từng làm việc tại trường mầm non dân lập ở Tokyo trong vòng 5 năm nhưng vì hoang mang với các phương pháp giáo dục hiện thời, bà đã quyết định nghỉ việc để đi làm ở công ty. Tuy nhiên, tình yêu với trẻ nhỏ đã kéo bà quay trở lại với nghề để tiếp tục dạy tại một trường mầm non dân lập khác 5 năm nữa trước khi cùng ba người bạn mở Trung tâm thực nghiệm Cây Táo vào năm 1982.
Mắng con đến đâu là vừa khai thác một đề tài tuy không mới mẻ nhưng theo góc nhìn và sự cảm nhận đầy tâm lý, Aiko Shibata bằng trải nghiệm và vốn hiểu biết lâu năm trong nghề sẽ cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức bổ ích, những góc khuất còn ẩn sâu trong tâm hồn con trẻ và những điều con luôn mong muốn mẹ thấu hiểu. Cuốn sách không phê phán việc mắng con mà dạy ta cách để mắng con sao cho đúng, để giúp con trưởng thành và phát triển một cách đúng đắn nhất.

Có rất nhiều kiến thức và bài học bổ ích nằm gọn trong 155 trang sách với kết cấu nội dung chia làm 3 chương nhỏ đang mong chờ được các cha mẹ khám phá trong cuốn sách này. Trong đó, có thể kể đến vài điểm đáng chú ý như sau:
Bài học đầu tiên, ba mẹ cần lưu ý mắng con – cần phân biệt giữa “muốn” và “nên”.
Ở chương đầu của cuốn sách, tác giả sẽ định nghĩa lại khái niệm “dạy dỗ” để cha mẹ có những cái nhìn trực quan, sinh động hơn và giúp họ nhận ra những sai lầm vẫn thường được quan niệm sai lệch trong tư tưởng của phụ huynh. Chúng ta cần hiểu rõ, mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt, trẻ có tâm tư nguyện vọng và cảm xúc cũng giống như ta vậy. Đôi khi những luật lệ được đặt ra chỉ nới rộng thêm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khiến công cuộc đi tìm tiếng nói chung trở nên khó nhằn hơn bao giờ hết. Vì vậy, hãy hạ thấp những tiêu chuẩn đã hằn sâu vào trong định kiến từ các thế hệ trước, hãy bước chậm lại và nhìn nhận vấn đề bạn đang gặp phải trong việc nuôi dạy con trẻ. Liệu mắng con có thực sự đem lại kết quả tốt hơn, có thực sự khiến con sửa đổi hay không; hay giải pháp chỉ đơn giản là sự vị tha, ân cần chỉ bảo của cha mẹ.
Nhiều vị phụ huynh thường rơi vào tình trạng không mắng con thì thấy lo, mắng rồi lại cảm thấy có lỗi với con. Tình cảnh này phổ biến với hầu hết các bậc làm cha làm mẹ, khiến họ nhọc nhằn mỗi lần con mắc lỗi hay sai phạm điều gì đó. Shibata chỉ ra rõ tâm lý và cảm xúc của cả cha mẹ và con cái, từ đó đưa ra lời khuyên và thông điệp tích cực: Hãy nuôi dạy con theo cách của mình, nhưng đồng thời cũng cần cho con bầu trời riêng để con được tự do làm chính con. Niềm tin vào con cái là yếu tố quan trọng thúc đẩy con trưởng thành đúng cách, thứ mà những lời trách móc không thể thực hiện được.
Vậy thì ta “nên” mắng con những lúc như thế nào và mắng đến đâu là vừa?
Phần 2 của cuốn sách lần lượt liệt kê những tình huống làm biết bao bậc cha mẹ phải đau đầu vì những vấn đề phức tạp với con trẻ. Cha mẹ có từng ép con phải làm điều con không thích, có từng quyết định thay con mà không quan tâm tới ý kiến của con. Cha mẹ nhức nhối vì con mình cư xử thiếu lễ đỗ, không phải phép hay việc con bị bạn bè bắt nạt ở trường học.
Shibata không ngần ngại liệt kê ra hàng loạt các vấn đề nổi cộm ở tuổi đang lớn hay thành niên của mỗi đứa trẻ, mà còn cả những tình huống tưởng chừng như rất đơn giản như việc con mình quá đỗi nghiện xem tivi, con độc chiếm đồ chơi hay con thường xuyên gây ồn ào chốn công cộng. Những điều mà những người làm cha mẹ nào cũng trải qua nhưng không biết phải giãi bày cùng ai, không biết phải tìm giải pháp ở đâu đều được tác giả nêu tên điểm mặt, để qua đó ta thấy được sự đồng cảm và thấu hiểu mà kinh nghiệm đem lại cho bà lớn tới nhường nào.

Nếu bạn đang gặp phải hay từng nghe qua những sự việc như trên, chắc hẳn chúng đều khiến bạn phải mệt mỏi và kiệt sức. Cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành một người tốt, cư xử lễ phép, ngoan ngoãn vâng lời; đồng thời cũng muốn con nhìn mình như tấm gương đáng để học tập noi theo. Điều này vô tình tạo áp lực vô hình lên đôi vai của chính họ khi phải cân bằng quá nhiều mặt trong cuộc sống.
Đôi lúc, bạn cần để cho con được “hư”, được sai lầm và mắc lỗi. Đôi lúc, bạn cần nhìn nhận mọi thứ theo góc nhìn của con, tư duy theo lối nghĩ của con trẻ để biết được tại sao con làm vậy, nguyên do là từ đâu. Đôi lúc, những lời trách móc sẽ chỉ làm vấn đề tệ hơn nhưng sự việc cũng có thể khác đi nếu bạn “mắng” con đúng cách. Khi nào thì nên mắng con, liệu có phải vấn đề nào cũng có thể được giải quyết bằng những câu mắng đó hay không. Cuốn sách không phê phán việc la mắng con trẻ nhưng cũng không hề cổ súy cho việc cáu gắt với con. Cha mẹ không chỉ là cha mẹ, mà còn là người bạn, người đồng hành cùng con, hãy cứng rắn và mềm mỏng với con thật đúng cách và đúng lúc!
Cuối cùng, đừng vội vã, cứ để trẻ tự quyết định rồi bạn sẽ tìm ra cách nuôi con của chính mình
Bằng những kinh nghiệm của bản thân trong hơn 40 năm làm việc trong môi trường nuôi dạy trẻ, bà đóng vai trò như một người dẫn dắt, chỉ đường cho những phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con, giúp họ có cái nhìn trực quan hơn, thấu hiểu hơn để họ có thể tự nhìn nhận lại chính mình, để biết được cách nuôi dạy con của mình có thực sự đang phù hợp với con trẻ hay không.
Aiko chia sẻ câu chuyện về 2 cậu bé cùng bắt được con tôm đất, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng cô quyết định sẽ cho cả 2 một cuộc nói chuyện để tự thỏa hiệp với nhau và kết quả cuối cùng: cả 2 quyết định trả lại con tôm đất về suối. Đừng xem cuộc nói chuyện của những đứa trẻ là câu chuyện bông đùa, hãy nhìn vào đó để cảm nhận sự thay đổi trong tâm hồn và cách phân xử của con bạn.
Trẻ con là trẻ con nhưng có đầy đủ khả năng để tự quyết định, tự đưa ra lựa chọn cho chính mình và trưởng thành. Bất kể bạn đang gặp vấn đề gì với con trẻ, lời khuyên mà tác giả đưa ra ắt hẳn sẽ giúp ích cho bạn: Hãy từ từ lùi về sau, tin tưởng vào con và để cho con được tự do lớn lên, tự do trưởng thành theo cách của con. Tình yêu cha mẹ muốn dành tặng cho con được thể hiện qua sự đồng cảm, sẻ chia với trải nghiệm của con; đồng thời đó cũng chính là điều giúp con ngưỡng mộ, tin yêu cha mẹ hơn! Hãy cứ can đảm để con khôn lớn, rồi bạn sẽ tìm ra cách nuôi con của chính mình.

Trong suốt quá trình giảng dạy và hoạt động trong môi trường giáo dục lâu năm, Aiko Shibata đã giải đáp hàng loạt các câu hỏi tư vấn từ các bậc cha mẹ về cách nuôi dạy và giáo dục trẻ con. Cuốn sách Mắng con đến đâu là vừa như một cuốn cẩm nang dành cho các bậc phụ huynh đang hoang mang, lo lắng tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho vấn đề với con trẻ của mình; cuốn sách đã giúp hàng ngàn phụ huynh tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề của họ, vì vậy mà giới chuyên môn cũng như các độc giả không tiếc lời khen ngợi tác phẩm này. Trong đó có thể kể đến nhận định của Thư Viện Tri Thức: “Cuốn sách Mắng con đến đâu là vừa sẽ là một sự lựa chọn hữu ích cho phụ huynh. Với Mắng con đến đâu là vừa, chỉ cần lùi lại một chút, bạn sẽ thấy mọi thứ hóa ra không quá phức tạp và “đau đầu” như bạn tưởng.”
Bạn vừa lắng nghe review cuốn sách “Mắng con đến đâu là vừa” của tác giả Aiko Shibata. Hi vọng bạn sẽ học được nhiều kiến thức hay từ video của Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Tạm biệt và hẹn gặp lại ở những bài review tiếp theo!
