phá vỡ rào cản để đến với yêu thương
Chào mừng bạn đến với Tulato – Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Với một cuộc tình, ấn tượng đầu tiên quan trọng đến thế nào? Đâu là tiêu chí mà chúng ta có thể đánh giá một con người? Ngoại hình, địa vị, tiền bạc hay gia cảnh? Hai câu hỏi trên không dễ để trả lời, có đúng không các bạn khán giả của Tulato? Tuy nhiên, đến với một trong những cuốn tiểu thuyết đến được yêu thích nhất – Kiêu Hãnh Và Định Kiến – các bạn sẽ được chứng kiến những vấn đề trên được phản ánh một cách đầy tinh tế, khéo léo và hài hước bởi nữ nhà văn đại tài Jane Austen. Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện tình yêu phức tạp nhưng cũng hết sức ngọt ngào trong cuốn sách sẽ còn khiến bạn phải trầm trồ.
Jane Austen là một tiểu thuyết gia chuyên viết về thể loại tình cảm – lãng mạn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại Anh Quốc vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Điểm nổi bật trong những tác phẩm của Jane Austen là cách bà phản ánh hiện thực xã hội nước Anh bấy giờ bằng việc mỉa mai, phê phán những thói hư tật xấu của xã hội thông qua những tình huống ứng xử, giao tiếp hết sức bình thường. Chính điều này đã làm nên ngòi bút tinh tế, thông minh và dí dỏm đặc trưng của Jane Austen. Jane Austen cũng là một trong những nhà văn được yêu thích và đánh giá cao nhất trong văn học Anh.

“Kiêu Hãnh Và Định Kiến” dài 352 trang với tất cả 61 chương nhỏ. Lấy bối cảnh thời đại của chính Jane Austen, khi mỗi người con gái chạm ngưỡng tuổi 16, họ phải đối mặt với một sứ mệnh rất quan trọng: lấy cho mình một tấm chồng tử tế, quan trọng nhất là việc người đó có thể chu cấp cho cô gái một cuộc sống ổn định về tài chính trong suốt phần đời còn lại.
Vấn đề này cũng là một trong những trọng tâm của “Kiêu Hãnh Và Định Kiến”. Thực tế, bà Bennet – mẹ của những cô gái trong câu chuyện, được khắc họa với tính cách ngớ ngẩn, thiếu tinh tế và hồ đồ, thậm chí còn vất vả hơn khi phải toan tính về thương vụ “gả chồng” cho tận… 5 cô con gái.
Jane là chị cả, là một cô gái xinh đẹp, khiêm nhường và có phần nhút nhát. Tiếp đến là Elizabeth – một cô gái cứng đầu, khôn ngoan và đầy sức sống – cô cũng là nhân vật chính của câu chuyện. Mary thì lại khá mờ nhạt cả về ngoại hình lẫn tính cách. Hai cô em út – Lydia và Kitty – được bà Bennet hết mực nuông chiều, lại vô cùng trẻ con và nông cạn.
5 chị em nhà Bennet đã gặp gỡ với nhiều quý ông tiềm năng như Charles Bingley, Fitzwilliam Darcy, Wickham và Collins. Bingley nhanh chóng phải lòng với chị cả Jane thùy mị. Trong khi đó, cuộc gặp gỡ giữa Elizabeth và Darcy – hai nhân vật chính của câu chuyện – lại có phần trắc trở hơn.
Ngay từ ban đầu, Elizabeth (hay thường được gọi với tên khác là Lizzy) và Darcy có lẽ đã đều bị đối phương hấp dẫn ở một mức độ nào đó. Song, chính tính cách của Lizzy và Darcy lại là rào cản cho tình yêu của hai người và khiến họ ban đầu không có thiện cảm với nhau. Với Darcy, anh kiêu hãnh vì địa vị và của cải mà mình sở hữu, đồng thời có phần coi thường vị thế thấp kém hơn của gia đình Lizzy. Còn Lizzy, một mặt, cô luôn có sự tự tôn về bản thân và không để ai sỉ nhục điều đó, mặt khác, cô lại mang định kiến khó bỏ với tính cách trịch thượng của một người quý tộc điển hình như Darcy. Vấn đề cốt lõi của “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” cũng như đặc trưng tính cách của hai nhân vật được thể hiện rất rõ ở cuộc hội thoại trong Chương 11, khi gia đình Bennet đang ăn tối với các quý ông.

Darcy nói rằng: “Tôi nghĩ mọi người đều có một khuyết điểm nào đấy, một khuyết điểm tự nhiên mà ngay cả một nền giáo dục tốt nhất cũng không thể xóa đi được.”
Elizabeth đáp lại đầy mỉa mai: “Và khuyết điểm của anh là xu hướng ghét bỏ mọi người.”
“Và khuyết điểm của cô là cố ý hiểu nhầm họ.” Darcy trả lời.
Xuyên suốt câu chuyện, độc giả sẽ được chứng kiến diễn biến của mạch truyện song song với sự phát triển tính cách của hai nhân vật Lizzy và Darcy. Qua nhiều tình huống và cuộc chạm mặt khác nhau do Jane Austen khéo léo xây dựng, Elizabeth và Darcy sẽ từ từ giác ngộ và học cách vượt qua cái tôi cá nhân cũng như định kiến có sẵn để có thể thấu hiểu lẫn nhau và thay đổi cách nhìn nhận cũng như tình cảm dành cho đối phương.
Bên cạnh câu chuyện về “kiêu hãnh” và “định kiến”, Jane Austen cũng đã phản ánh nhiều vấn đề xã hội gây nhức nhối khác một cách đầy tinh tế. Ở thời đại lúc bấy giờ, những người phụ nữ thường không thể tự lập về tài chính mà luôn phải phụ thuộc vào đàn ông – đó có thể là chồng, cha, anh em trai, chú, hoặc em họ của họ. Vì vậy, lấy một người chồng ổn định, hay thậm chí là giàu có, là sứ mệnh trọn đời của mỗi cô gái; nếu không, họ sẽ phải sống trong nghèo khó và rất có thể thậm chí không có nhà để ở.
Vì lý do đó, đôi khi hôn nhân không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ “con tim”, mà buộc phải xuất phát từ điều gì đó vụ lợi hơn. Tulato sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện trong “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” để làm ví dụ. Ban đầu, quý ông Collins đã cầu hôn Lizzy nhưng bị từ chối. Sau đó, anh ta đã chuyển đối tượng sang bạn của cô – quý cô Charlotte. Charlotte, dù không thật sự yêu Collins – một anh chàng không có gì nổi bật về tính cách lẫn ngoại hình – vẫn chấp nhận lời cầu hôn của anh vì muốn đảm bảo cho tương lai của mình. Lizzy đã phê phán Charlotte vì điều đó, Charlotte cũng chỉ trích ngược Lizzy, cho rằng đôi khi cô cần phải thực tế. Dẫu sao, quyết định của Charlotte có lẽ vẫn là một điều hoàn toàn có lý và dễ hiểu trong thực tế bối cảnh xã hội rất khắc nghiệt lúc bấy giờ.

Từ cuốn tiểu thuyết “Kiêu Hãnh Và Định Kiến”, tác giả Jane Austen đã truyền tải một thông điệp rằng: Ấn tượng đầu tiên có thể sẽ không chính xác, và vì vậy mỗi người cần phải học cách hóa giải những định kiến để trở nên bao dung, hóa giải lòng kiêu hãnh để trở nên khiêm nhường. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chấp nhận, thấu hiểu và yêu thương lẫn nhau.
Năm 2003, BBC đã xếp “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” ở vị trí thứ 2 trong “Top 100 Cuốn Sách Được Yêu Thích Nhất Anh Quốc” chỉ sau “Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn”. Nhà văn, nhà báo và nhà phê bình người Anh nổi tiếng Amanda Craig cũng từng nhận xét về “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” như sau: “Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hoàn hảo cả về văn phong, cốt truyện lẫn nhân vật. Tôi nghĩ mọi người thường dễ phớt lờ sức mạnh truyền cảm hứng của cuốn sách này qua cách câu chuyện liên tục đề cao quyền của phụ nữ khi được kết hôn vì tình yêu”.
Nếu bạn yêu thích những tác phẩm văn học kinh điển, đặc biệt là thể loại tình cảm lãng mạn thì “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” của Jane Austen là một tác phẩm không thể bỏ qua. Với hơn 20 triệu bản được tiêu thụ trên toàn thế giới, dù đã hơn 200 năm tuổi, giá trị của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất và cũng là “đứa con cưng” của nữ nhà văn người Anh vẫn luôn trường tồn với thời gian bởi những bài học bất hủ về tình yêu, con người, xã hội và định kiến giới.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Kiêu Hãnh Và Định Kiến” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
