sự lụi tàn của giấc mơ mỹ
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Nếu trên đời này có cuốn sách nào “bị hiểu nhầm” nhiều nhất và khiến giới phê bình lẫn người đọc phải vò đầu bứt tai nhiều nhất trước câu hỏi “Tác giả đang muốn thể hiện điều gì qua tác phẩm này vậy?”, thì tiểu thuyết “Gatsby Vĩ Đại” hay “Đại Gia Gatsby” của F. Scott Fitzgerald phải là một trong những cuốn sách như thế.
F. Scott Fitzgerald được mệnh danh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20. Là một trong những tác giathuộc Thế Hệ Lạc Lõng (Lost Generation), Fitzgerald chuyên viết về tuổi trẻ, tình yêu và nỗi buồn dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng của xã hội Mỹ đang trên đà bùng nổ và trải qua nhiều biến chuyển về kinh tế – xã hội. Ông cũng nổi tiếng là người đã đặt tên cho giai đoạn 1919-1920 là “Jazz Age” (Thời đại Jazz). Trong suốt sự nghiệp nhà văn của mình, Fitzgerald đã xuất bản hơn 100 truyện ngắn và 4 tiểu thuyết, trong đó, “Gatsby Vĩ Đại” (xuất bản năm 1925) – cuốn tiểu thuyết thứ 3 của ông – đạt được thành công lớn nhất và đã lên đến tầm cao của một tác phẩm kinh điển và bất hủ.
Về nội dung cuốn sách, “Gatsby Vĩ Đại” là câu chuyện bi kịch về đại gia Gatsby. Tác phẩm được kể ở ngôi thứ nhất, dưới góc nhìn của nhân vật Nick Carraway – một anh chàng tuổi 30 có học thức, điềm đạm và thực tế. Khi câu chuyện bắt đầu, Nick chỉ mới chuyển qua vùng West Egg của Long Island – khu vực nổi tiếng với nhiều đại gia “giàu xổi”, mới đi lên, ồn ào và phô trương. Tại đây, người hàng xóm ngay đối diện nhà của Nick chính là Jay Gatsby – nhân vật chính của tác phẩm – và cũng là người có tính cách có phần trái ngược với anh.

Jay Gatsby, giống như nhiều kẻ thượng lưu nơi đây, là một người mới “lên đời” và chen chân vào giới siêu giàu, ưa thích sự bóng bẩy và ồn ào. Anh sở hữu khối tài sản kếch xù, ngôi biệt thự hoành tráng, chiếc xe Roll Royce màu vàng đắt tiền và đặc biệt nổi tiếng trong giới thượng nhờ một điều: Đều đặn vào mỗi tối thứ Bảy, Đại gia Gatsby luôn tổ chức cho giới thượng lưu một bữa tiệc vô cùng xa hoa với sâm panh, âm nhạc và pháo hoa.
Bất kỳ ai cũng có thể tham gia bữa tiệc “dành riêng cho người giàu” này, dù họ có biết Jay Gatsby – người đứng sau bữa tiệc – là ai hay không. Jay Gatsby trông ra sao, danh tính anh ta thế nào, quá khứ của hắn là gì, làm thế nào mà gã đại gia này lại nhiều tiền đến thế, tại sao hắn lại tình nguyện tổ chức những bữa tiệc xa hoa hào nhoáng cho người khác tham gia? Không ai trong số những vị khách đó có thể trả lời những câu hỏi này, vì không ai biết và cũng không quan tâm điều đó. Họ đến chỉ đến để hưởng thụ và ăn chơi.
Phải chăng Đại gia Gatsby vung tiền cho những bữa tiệc tráng lệ như vậy là để thể hiện đẳng cấp, địa vị của mình? Hay để giao lưu làm quen với những người giàu khác? Câu trả lời là: Không.
Nick Carraway, trong một dịp được mời đến bữa tiệc xa hoa của Gatsby, đã tình cờ biết được rằng vị đại gia tổ chức tất cả những bữa tiệc này trong suốt những năm qua chỉ vì một lý do: Gatsby muốn gây ấn tượng với nàng thơ từ 5 năm trước của anh – Daisy Buchanan – một người phụ nữ xinh đẹp sống trong tòa biệt thự phía bên kia bờ sông ngay đối diện Gatsby.
5 năm trước, Gatsby từng cố gắng theo đuổi Daisy – một tiểu thư xinh đẹp nức tiếng trong thành phố, nhưng vì không có tiền bạc và địa vị để chu cấp cho những nhu cầu vật chất xa hoa của cô nàng, hai người cuối cùng không thể đến được với nhau. Sau đó, Gatsby đi lính và bằng một cách bí ẩn nào đó, anh đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ và trở thành đại gia như ngày nay. Trong suốt khoảng thời gian đó, tình yêu mà Gatsby dành cho Daisy chưa bao giờ lụi tàn.
Sau một cuộc dàn xếp khéo léo, cuối cùng, Daisy Buchanan đã xuất hiện tại bữa tiệc của Gatsby và có cuộc hội ngộ “tình cờ” với người tình năm xưa. Dù giờ đây đã là vợ của Tom Buchanan, Daisy và Gatsby bắt đầu nảy sinh lại tình cảm và dan díu với nhau.
Tom Buchanan thực chất cùng lúc đã cũng đang có một mối quan hệ ngoài luồng với một người phụ nữ khác. Dần dần, Tom bắt đầu nghi ngờ và biết được Daisy – vợ mình – đang ngoại tình với Gatsby. Dù bản thân mình cũng đang là kẻ lừa dối trong cuộc hôn nhân này, Tom tức giận vì sự thiếu chung thủy của Daisy và tìm cách vạch trần quá khứ đen tối của vị đại gia Gatsby nhiều tiền. Hai người đàn ông đã có một cuộc khẩu chiến dữ dội để tranh giành một người phụ nữ – Daisy. Và sau chuỗi sự kiện đầy xung đột, một cái kết bi thảm đã đến với Gatsby.

Để có được Daisy cũng là hoài bão lớn nhất trong cuộc đời của Gatsby. Tình yêu chính là động lực để chàng thanh niên nghèo khó năm nào vươn lên và đạt được địa vị như ngày nay, và tất cả những gì anh ta làm cũng chỉ vì người phụ nữ mình yêu. Song, tình yêu không phải là chủ đề duy nhất của cuốn tiểu thuyết bất hủ “Gatsby Vĩ Đại”.
Nếu không bàn đến Nick Carraway và Gatsby, các bạn độc giả sẽ nhận thấy tất cả những nhân vật trong tác phẩm đều có rất nhiều khuyết điểm, và giữa họ cũng có một điểm chung rằng: họ giàu có và nông cạn. Tất cả những nhân vật trong truyện, những bữa tiệc, những cuộc nói chuyện phiếm đều là biểu tượng cho những vấn đề xã hội nhức nhối thời bấy giờ mà F. Scott Fitzgerald muốn truyền tải trong tác phẩm kinh điển của mình.
Hành trình “lột xác”, đổi đời của Gatsby, và cũng như những kẻ thượng lưu khác, chính là một biểu tượng của “Giấc mơ Mỹ” hào nhoáng, xa hoa vào đầu thế kỷ 20. Thập niên 1920 là giai đoạn bùng nổ kinh tế ở Hoa Kỳ, nhiều người trở nên giàu tột độ và lối sống ăn chơi trác táng bắt đầu ran lộng trong tầng lớp thượng lưu của xã hội. Những người phụ nữ bắt đầu tự giải phóng bản thân mình với những chiếc váy suông ngắn, cắt tóc ngắn và đổ về những bữa tiệc mỗi tối, nhảy múa và uống rượu trên nền nhạc Jazz. “Thời đại Jazz” mà Fitzgerald ám chỉ là một thời đại như thế. Tất cả những hình ảnh đó đều được khắc họa trong tiểu thuyết “Gatsby Vĩ Đại”.
Tuy nhiên, cuộc đời và số mệnh của nhân vật chính Gatsby cũng tượng trưng cho sự tàn lụi của “Giấc mơ Mỹ” hão huyền và sự phù phiếm của tiền bạc, danh vọng. Hàng trăm người đổ về căn biệt thự của Gatsby mỗi tối thứ Bảy để vui chơi và tận hưởng, nhưng khi tai họa ập đến với Gatsby, không một ai trong số vị khách “thượng lưu” ấy bén mảng đến dinh thự của anh. Ánh đèn của sự xa hoa vụt tắt, Gatsby mất đi tất cả, để rồi chỉ còn lại sự cô đơn và tủi nhục. Điều đó cũng cho thấy được bản chất vụ lợi, nông nổi và nông cạn của những kẻ giàu xổi trong “Thời đại Jazz” – một dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức khi nền kinh tế đi lên.
Một trong những minh họa của sự suy đồi đạo đức đó chính là sự thiếu chung thủy của rất nhiều nhân vật trong truyện mà họ không hề thấy tội lỗi, bứt rứt về điều đó: Tom Buchanan ngoại tình với một người phụ nữ khác, Daisy ngoại tình với Gatsby, và Gatsby không ngại ngần giành lấy Daisy – một người phụ nữ đã có gia đình.
Lý do các nhân vật trong truyện không dễ mến, hoặc họ có phần ngớ ngẩn và lố bịch, là bởi lẽ họ được cố tình xây dựng để khắc họa cho một xã hội đang hỗn loạn trong sự thịnh vượng. Theo mạch truyện, thay vì tính cách của nhân vật được “phát triển”, thì bản chất phù phiếm, tham lam của họ lại dần được bộc lộ và vạch trần một cách đầy mỉa mai.

Qua 250 trang sách với 9 chương, độc giả sẽ còn biết và hiểu nhiều hơn những vấn đề chính trị – xã hội được F. Scott Fitzgerald được lồng ghép đầy tinh tế; đó có lẽ cũng là lý do vì sao cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết được về kiệt tác này, như lời nhận định của tờ Guardian về “Gatsby Vĩ Đại” như sau: ““Gatsby Vĩ Đại” dù có phần giống với “Romeo và Juliet”, nhưng thực tế nó vẫn còn chứa đựng nhiều thứ hơn chỉ là một câu chuyện tình yêu”.
Phải cho đến 20 chục năm kể từ lần đầu xuất bản, vào khoảng sau Thế chiến II, tiểu thuyết “Gatsby Vĩ Đại” mới nhận được sự yêu mến và tán dương mà nó xứng đáng. Thậm chí tác phẩm này còn được đưa vào chương trình trung học tại Hoa Kỳ và thường được xem như một cuốn tiểu thuyết chuẩn mực. Đồng thời, “Gatsby Vĩ Đại” cũng được mệnh danh là một “Cuốn Tiểu Thuyết Vĩ Đại Của Nước Mỹ”. Dù đã gần 1 thế kỷ kể từ khi ra mắt, cho đến nay, “Gatsby Vĩ Đại” luôn nằm trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết kinh điển nhất; vì vậy, những độc giả yêu thích thể loại sách kinh điển chắc chắn không thể bỏ qua tác phẩm bất hủ này. Nếu bạn quan tâm đến văn hóa Mỹ hay “Giấc mơ Mỹ”, cuốn sách này cũng sẽ đem lại cho bạn nhiều suy nghĩ thú vị. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không đọc ngay cuốn tiểu thuyết “Gatsby Vĩ Đại” nào?!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Gatsby Vĩ Đại” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
