Cuộc Đời Của Pi
Cuộc Cải Tổ Niềm Tin Và Nhân Sinh Quan
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Một hành trình phi thường, một thế giới vừa thực vừa hư, một cái kết day dứt khiến độc giả phải nghiền ngẫm về nhân sinh quan của chính mình – những vẻ đẹp ấy của một cuốn tiểu thuyết đã được gói gọn trong “Cuộc đời của Pi”.
“Cuộc đời của Pi” là một câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu sống còn của anh chàng 16 tuổi người Ấn Độ tên Piscine …, hay gọi tắt là Pi. Pi lớn lên trong một sở thú tại Ấn Độ. Một ngày nọ, cha của Phi đã đưa ra một quyết định mang tính định mệnh: cả gia đình sẽ đến định cư ở Canada và bán đàn thú cho các sở thú lớn ở Mỹ. Và rồi bi kịch ập tới, chiếc tàu đưa gia đình Pi băng qua Thái Bình Dương bị đắm, Pi nhận ra mình đã may mắn sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ, nhưng anh lại phải cùng lúc cạnh tranh và cộng sinh với các con thú khác trên suốt hành trình dài 227 ngày của mình: một con ngựa vằn bị gãy chân, một con khỉ độc, một con linh cẩu và một con hổ Bengal tên Richard Parker nặng hơn 200 ký.
Để đấu tranh cho mạng sống của mình, các con vật trên thuyền bắt đầu ăn thịt lẫn nhau, cuối cùng chỉ còn lại Pi trơ trọi đối diện với con hổ trên suốt chặng đường còn lại lênh đênh trên biển. Cả 2 chiến binh cuối cùng này đều tìm đủ phương kế để sống sót trên đại dương bao la, không thức ăn, không một bóng đảo. Pi và Richard Parker vừa phải đề phòng lẫn nhau để bảo vệ mạng sống của chính mình, vừa lấy nỗi sợ đó làm động lực mạnh mẽ để tiếp tục sống; cũng có những khoảnh khắc, Pi và Richard Parker lại tựa như 2 người bạn đồng hành cùng nhau vượt qua những trở ngại.
Sau một hành trình phi thường và gian khổ, cuối cùng người hùng mạnh mẽ Pi cùng chú hổ Richard Parker đã tìm được một bến bờ nơi đất liền, đây cũng là lúc đoạn đường chung của 2 nhân vật chấm dứt. Hổ về với rừng, còn Pi được giúp đỡ và sau đó kể lại câu chuyện không tưởng của mình.

Tác giả viết nên câu chuyện không tưởng này là nhà văn người Canada gốc Tây Ban Nha Yann Martel. “Cuộc đời của Pi” là tác phẩm thành công nhất của Martel. Cuốn sách đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng sách danh giá bao gồm Man Booker, Canada Reads và 2 giải thưởng khác của CBC Radio. Các nhà phê bình của giải thưởng Booker đã nhận xét “Cuộc đời của Pi” là một cuốn tiểu thuyết “lay động lòng người, đậm tính triết lý, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, sự sáng tạo và hình tượng dí dỏm. Một cuốn tiểu thuyết kinh điển đích thực của văn học hiện đại”. Năm 2012, “Cuộc đời của Pi” được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Lý An; bộ phim cũng đã nhận được vô số phản hồi tích cực từ phía khán giả lẫn nhà phê bình, trong đó nổi bật nhất là 11 đề cử và 4 giải thưởng hàn lâm của Oscar.
“Cuộc đời của Pi” được kết thành 3 phần chính với tròn 100 chương trong hơn 400 trang sách. Phần mở đầu là “Toronto và Pondicherry”, ở đây, độc giả sẽ tìm thấy bối cảnh câu chuyện, nền tảng triết lý của cuốn sách và phần nào con người cũng như niềm tin tôn giáo của Pi. Phần 2 – “Thái Bình Dương” – phần được cho là quan trọng nhất, chứa đựng trọn vẹn hành trình sinh tử đầy phiêu lưu, thử thách của Pi. Cuối cùng là phần 3 – “Trạm xá Benito, Juarez, Tomatlan, Mexico”, thuật lại giai thoại Pi cập bến đất liền, được giúp đỡ và kể lại câu chuyện của mình cùng đàn thú dữ trên thuyền.
Mặc dù trọng tâm nội dung của cuốn sách xoay quanh những tình tiết Pi lênh đênh, trôi dạt trên biển và đối đầu với đàn thú, đặc biệt khi Pi phải một mình đương đầu với chú hổ Richard Parker trên hành trình sống còn của mình, sau khi Pi thuật lại câu chuyện này cho những người trên đất liền nghe, cụ thể là 2 nhân vật Okamoto và Chiba, không có bằng chứng thuyết phục nào, họ đều câm lặng và không thể tin vào những gì đã diễn ra. Câu chuyện này quá phi thường, quá kỳ diệu, nó vượt qua giới hạn niềm tin và trí tưởng tượng của một người bình thường.
Vì vậy, Pi đã bất ngờ xoay chuyển mọi thứ và thuật lại một câu chuyện hoàn toàn khác, một câu chuyện kinh dị hơn: không còn thú dữ, nhưng tất cả nạn nhân trên chiếc thuyền đều là con người, bao gồm Pi, mẹ của Pi, một gã đầu bếp và một tên thủy thủ, và Pi là người cuối cùng và duy nhất sống sót. Với hai câu chuyện được kể ra, Pi đã cho 2 thính giả của mình toàn quyền được lựa chọn “Đâu mới là câu chuyện thật?”. Dù Okamoto và Chiba cảm thấy thích thú trước câu chuyện có đàn thú hơn, nhưng nếu phải tin, họ lựa chọn tin vào câu chuyện thứ hai với sự hiện diện của con người, vì thực tế hai người phải trình báo với cấp trên.

“Cuộc đời của Pi” không chỉ đem lại một trải nghiệm đọc tuyệt vời với mọi cung bậc cảm xúc: gay cấn, hồi hộp, nhẹ nhõm, xúc động, bứt rứt và hoài nghi, cuốn tiểu thuyết còn mang giá trị nội dung lẫn nghệ thuật rất lớn. Qua chuyến phiêu lưu kỳ thú, hiểm nguy nhưng cũng vô cùng sinh động, tác giả Yann Martel đã gửi gắm nhiều tầng lớp ý nghĩa mang tính biểu tượng vô cùng tinh tế. Để giải mã những tầng nghĩa này, điều đó vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan và trải nghiệm cá nhân của mỗi người, vào những gì mỗi độc giả muốn tin và muốn hiểu.
Một mặt, câu chuyện thứ 2 về con người thực tế là câu chuyện kinh dị và phần nào… thiếu nhân tính hơn, trần trụi và đau đớn hơn, và từ đó thể hiện phần “con” của Pi nhiều hơn, điều đó có thể tượng trưng cho những bóng tối trong tâm hồn của con người, rằng nó rất đáng sợ và khó chấp nhận. Liệu có phải Pi đã nén lại không kể lại câu chuyện về con người này để che giấu đi góc khuất của bản năng con người? Nếu đúng là như vậy, liệu bạn có tin vào câu chuyện thứ hai?
Hay bạn vẫn cảm thấy hoài nghi và muốn tin vào câu chuyện thứ nhất, rằng câu chuyện của Pi và đàn thú là có thật? Rằng Richard Parker chính là hiện thân trong phần con của Pi, là biểu tượng cho bản năng của con người? Chung sống với một con thú dữ, Pi đã có hy vọng và động lực sống dồi dào hơn bao giờ hết, đó cũng là lúc bản năng của con người được đánh thức.
Bên cạnh những câu hỏi hóc búa về triết lý do cuốn sách đặt ra mà mỗi người đọc cần phải tự trăn trở, suy ngẫm và giải mã, “Cuộc đời của Pi” cũng để lại một bài học quý giá về tinh thần kiên cường, ý chí bất khuất và khát vọng sống mãnh liệt của con người trước những gian nan, khó khăn của cuộc đời. Hành trình này đã khiến Pi thức tỉnh đức tin của mình, và cuốn tiểu thuyết này có thể cũng sẽ giúp người đọc trải nghiệm một cuộc cải tổ niềm tin để mỗi cá nhân có cơ hội được suy ngẫm và xác định lại rõ ràng hơn thế giới quan của mình.
Với những ai ưa thích những câu chuyện phiêu lưu, giàu trí tưởng tượng, với những ai muốn quan điểm triết lý về tôn giáo, bản năng và đạo đức của mình có cơ hội được thách thức để từ đó khám phá bản thân mình và nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống, cuốn sách “Cuộc đời của Pi” bởi tác giả Yann Martel chắc chắn là một tác phẩm khó có thể thể bỏ qua.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Cuộc đời của Pi” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
