áp dụng tư duy linh hoạt để làm cha mẹ tốt hơn
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Làm cha mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng và êm xuôi trong ngày một ngày hai, mà nó là một cả một chặng đường dài. Trên hành trình đó, luôn đòi hỏi sự nhẫn nại, vị tha, cố gắng và một tình yêu thương vô điều kiện. Sự thật là, trong quá trình con cái khôn lớn, cha mẹ cũng cần phải học hỏi và trưởng thành theo sự lớn lên của con cái. Nói về hành trình đó, cuốn sách “Con mình chả lẽ lại “vứt’’?” cung cấp đầy đủ những lời khuyên cho hầu hết các vấn đề mà bạn sẽ phải đối mặt trong quá trình nuôi dạy con trưởng thành và khôn lớn. Vậy hãy cùng Tulato tìm hiểu về cuốn sách trên cùng những bài học thiết thực chứa đựng trong đó nhé!
Từ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con thành công, vợ chồng tiến sĩ Cherry Vũ và Rob England đã cùng nhau chắp bút nên cuốn sách Con mình chả lẽ lại “vứt’’ chạm tới trái tim của những bậc làm cha làm mẹ. Tác giả cuốn sách Cherry Vũ là Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công, Đại học Victoria, New Zealand. Chị được vinh danh là 1 trong 100 phụ nữ có đóng góp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực áp dụng tư duy Tinh gọn và Linh hoạt và là diễn giả quen thuộc trong các hội nghị quốc tế lớn về cách làm việc và quản lý mới. Trong khi đó, chồng chị, Rob England là 1 trong 25 nhà lãnh đạo tư tưởng trên toàn cầu trong lĩnh vực Tư duy quản lý mới trong ngành IT. Sau khi kết hôn họ đã cùng nhau nuôi dạy các con trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công đáng lưu ý. Những kinh nghiệm này được họ chia sẻ mạch lạc, chân thực song cũng không thiếu phần hóm hỉnh, thú vị trong cuốn sách “Con mình chẳng lẽ lại “vứt”?”

Cuốn sách bao gồm 328 trang được chia làm 5 phần chính gồm:
-
Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình
-
Dạy con có động lực và thói quen học
-
Rèn con thái độ sống đúng
-
Các vấn đề của tuổi vị thành niên
-
Để con trưởng thành, cha mẹ cần dũng cảm
Mỗi phần của sách đều được 2 tác giả viết lên từ những trải nghiệm và đúc kết sau một chặng đường dài cùng các con “trưởng thành”. Qua đó, họ muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới các bậc cha mẹ và con cái về hành trình nuôi dạy con, cùng con vấp ngã và đứng dậy, cách để thấu hiểu những vấn đề của con cái dưới góc nhìn của một người lớn.
Đầu tiên, sự thay đổi đến từ chính cha mẹ
Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, sẽ không tránh được những lúc xảy ra cãi vã, bất đồng, có những khi cha mẹ nghĩ rằng con mình sao thật khó bảo và việc ép chúng theo ý mình chỉ làm mọi chuyện rắc rối thêm. Qua những lời bộc bạch chân tình của hai vợ chồng tác giả, mọi người sẽ nhận ra rằng cách nuôi dạy con theo mô típ truyền thống sẽ không còn phát huy tác dụng nữa; giờ đây, các bậc cha mẹ thông minh sẽ không bắt ép con mình phải theo ý mình, không bắt con phải thay đổi dù chúng không thích.
Trẻ con trong thời kỳ trưởng thành sẽ luôn bộc phát cá tính mạnh mẽ, sẽ có những ý nghĩ và hành động mà cha mẹ không hài lòng. Đó có thể là việc con quá mải chơi, lười làm bài tập; con mình giữ phòng ở không gọn gàng sạch sẽ; con mình sao mà quá nghịch ngợm khó bảo. Đã bao lần cha mẹ phải quát mắng, răn đe hay đánh đòn con nhưng mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Cherry Vũ và Rob England khuyên mọi người nên đặt mình vào vị trí của con, thấu hiểu những nỗi niềm và tâm lý của trẻ để có thể có cái nhìn đúng đắn, khách quan hơn. Có thể đôi khi, thứ mà con cần chỉ là sự quan tâm và thay đổi từ phía cha mẹ. Con sẽ thay đổi khi cha mẹ chủ động thay đổi; hãy thay đổi những lời trách móc, quát mắng bằng những cử chỉ quan tâm dịu dàng, dễ chịu; hãy thay đổi thái độ nóng nảy bằng thái độ săn sóc, ân cần; hãy chỉ ra cho con sai ở đâu, và giúp con thay đổi. Cha mẹ hãy làm gương, hãy thay đổi bản thân mình trước tiên và đón chờ sự thay đổi từ phía con nhé!
Thứ hai, tất cả đều phải được dạy
Từ vấn đề ăn uống, sinh hoạt hàng ngày tới các vấn đề như học tập, vui chơi, giải trí… tất thảy đều cần được dạy dỗ một cách đúng đắn, đàng hoàng.
Bằng kinh nghiệm của mình, hai vợ chồng tác giả đã từng bước liệt kê ra những vấn đề mà cha mẹ cần quan tâm trước hết trong quá trình nuôi dạy con tuổi “mới lớn”. Trước hết, đó là về vấn đề học hành của con. Họ đưa ra những sai lầm mà các bậc cha mẹ thường hay mắc phải trong việc dạy dỗ con học tập và chính cả những sai lầm mà họ đã mắc phải trong câu chuyện của mình. Học tập là việc cả đời, việc để con có cố gắng hay không trước hết người làm cha mẹ cần xây dựng cho con một thái độ và quan điểm đúng đắn về vấn đề này. Sau đó, hãy tìm cách khơi gợi sự tò mò và niềm yêu thích học tập ở con trẻ. Hãy dạy con về thói quen đọc sách, về cách để con luôn có động lực và một tinh thần cầu tiến trong quá trình con học hỏi, tiếp thu tri thức.
Dạy con thông minh là dạy con cả về thái độ sống đúng đắn. Thế nào là thái độ sống đúng đắn cho con ? Đó là suy nghĩ tích cực, là giúp con luôn nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, thấu tình hợp lý để con có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Chính thái độ sống sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của một người, và trong công cuộc nuôi dạy con cái, thái độ của cha mẹ ảnh hưởng sâu sắc tới sự thành công của con. Làm sao để con có thể học được thái độ sống đúng đắn, để con trở thành một người xuất chúng, được bạn bè thầy cô mọi người cùng ngưỡng mộ? Thái độ sống của cha mẹ sẽ quyết định điều đó; nếu cha mẹ tự nuôi dưỡng cho mình những thói quen tốt, những suy nghĩ quan điểm tiến bộ, con cái tự khắc sẽ trở nên xuất chúng.

Thứ ba, tuổi vị thành niên các con cần nhất sự thấu cảm
Tuổi dậy thì là giai đoạn mà các con phát triển cả về thể chất và tâm sinh lý một cách hoàn thiện, có thể ví nó như cây cầu để con từng bước trở nên “trưởng thành”. Sự trưởng thành ở đây là cả sự trưởng thành từ trong nhận thức, hành động, lối sống và những niềm tin, lẽ sống mà con theo đuổi. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng nên các bậc làm cha mẹ cũng rất cần chú ý và quan tâm con. Chúng ta luôn tìm kiếm sự thấu cảm giữa cha mẹ và con cái, nhưng rồi điều đó đến từ đâu?
Sự thấu cảm đến từ lòng nhẫn nại và trắc ẩn trong mỗi chúng ta; cha mẹ hãy vì con mà hạ thấp cái tôi của bản thân để nghe con giãi bày, tâm sự, từ đó có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề của con. Trẻ thành niên chúng cần sự lắng nghe từ cha mẹ, lúc này những phương pháp cũ như dọa mắng hay quát tháo sẽ phản tác dụng và đôi khi có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho con trẻ. Qua từng vấn đề mà hai vợ chồng họ gặp phải trong quá trình nuôi dạy con, hai tác giả muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh thông điệp ý nghĩa như sau: Điều quan trọng là cha mẹ phải biết đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ theo logic của con, từ đó có thể mở lòng và đón nhận những sai sót, khiếm khuyết của cả cha mẹ lẫn con cái. Sự chân thành và thấu hiểu là tối quan trọng trong quá trình này, và nó đến từ sự nhẫn nại, và lòng vị tha.
Lời khuyên cuối cùng cho các bậc cha mẹ, đó là hãy dũng cảm để con trưởng thành!
Để con có thể trưởng thành, cha mẹ cần dũng cảm. Dũng cảm nhìn con lớn, nhìn con vấp ngã và đứng dậy sau những lần thất bại. Dũng cảm để có thể cho con sự tự do, cho con được quyền quyết định cuộc đời mình. Dũng cảm để có thể hiểu rồi con cũng là một cá thể độc lập, và con cũng có một cuộc đời của riêng con, con sẽ lớn lên và tự lập, tự đưa ra những lựa chọn của con. Cuối cùng, cha mẹ cần dũng cảm để đối diện sự thật rằng, nuôi dạy con tuổi trưởng thành là một bài toán hóc búa mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đều phải chấp nhận và đối mặt với nó. Không còn cách nào khác, cha mẹ hãy dũng cảm để trưởng thành cùng con!
Trong hành trình nuôi dạy con trai trưởng thành, bản thân Rob England đã đặt ra bốn quy tắc như sau: Trước năm 20 tuổi, tránh phạm phải bốn điều sau: Thứ nhất, không làm chết người; Thứ hai, không làm chết mình; Thứ ba, không vi phạm luật hình sự; Thứ tư, không làm ai có bầu. Rob England nhấn mạnh thêm rằng: “Bất kỳ điều gì đạt được đều đáng ăn mừng”. Khi con đã 20 tuổi, liền reo lên, “Yeah! Con mình đã sống sót khi tròn 20 tuổi, mình là ông bố thành công!”. Câu chuyện trên khiến độc giả phải ngỡ ngàng vì cách nuôi dạy con quá đỗi khiêm tốn và giản đơn của một ông bố trong vai trò không hề đơn giản!
Đọc thêm về cuốn sách “Con mình chẳng lẽ lại vứt” sẽ giúp độc giả biết đến những bài học dạy con, thông điệp giáo dục tiến bộ và văn minh, đồng thời hướng dẫn họ trở thành phụ huynh thông thái, tinh tế, chạm được vào trái tim của những người làm cha mẹ. Bất cứ cha mẹ nào đang tìm kiếm những lời tư vấn chân thành và sự sẻ chia, cuốn cẩm nang đích thực này đang chờ đón họ khám phá.
“Con mình chẳng lẽ lại “vứt”?” nhận được sự đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao từ các độc giả cũng như các bậc cha mẹ Việt Nam. Tủ sách Gamma Junior nhận xét: “Cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp nuôi dạy con hiệu quả hơn, xua tan đi áp lực với vai trò làm cha mẹ của mình và trở thành hình mẫu phụ huynh mà bạn mong muốn.” Đó đồng thời cũng là thông điệp và giá trị nhân văn của cuốn sách mà các tác giả muốn bày tỏ tới bạn đọc.
Tulato hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích và đem lại nhiều thông điệp ý nghĩa tới quý độc giả! Cuối cùng, Tulato xin cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Con mình chẳng lẽ lại vứt” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
