Kinh bốn lĩnh vực quán niệm
Cánh cửa chính để đi vào giác ngộ
Trên hành trình tu tập của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng: Ngày phát hiện ra bản kinh này, ngài thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Hai bản kinh được ngài nhắc đến ở đây là bản Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm và kinh Quán Niệm Hơi Thở, hai kinh gối đầu giường của các vị khất sĩ thời Bụt còn tại thế và là nền tảng của nếp sống thiền tập đạo Bụt. Trong cuốn Con đường chuyển hóa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngài đặc biệt đưa ra những hướng dẫn cụ thể để chúng ta tiếp xúc được suối nguồn thiền tập của đạo Bụt. Hơn thế nữa, tác giả còn hiến tặng những phương pháp thực hành thực tế giúp hành giả trải nghiệm được nếp sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày.
Hãy cùng Tulato tìm hiểu thêm về cuốn sách này nhé.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được gọi là Nhà lãnh đạo tâm linh toàn cầu và “người cha của chánh niệm”, người mở đường cho “đạo Bụt ứng dụng” cho thế kỷ 21; chuyển hóa đạo Bụt có tính học thuật thành một đạo Bụt của kinh nghiệm tâm linh thực nghiệm, rất linh động và luôn tự mình làm mới. Giáo lý của Thầy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp xúc cái mà Thầy gọi là hạnh phúc đích thực ngay trong giờ phút hiện tại.
Trong chặng đường hoằng pháp bền bỉ suốt 65 năm, Thiền sư luôn can đảm lên tiếng về một số vấn đề hóc búa nhất của xã hội, đồng thời hiến tặng những giải pháp thực tiễn qua các pháp môn thực tập chánh niệm. Thầy đã trở thành một diễn giả được săn đón ở cả Đông lẫn Tây phương.
Tầm ảnh hưởng của Thiền sư đối với giới trẻ ngày một tăng lên bởi qua những lời giảng của Thầy, đạo Bụt đã được làm mới, không bị ràng buộc bởi giáo điều, nghi lễ và sự mê tín.
Thiền sư không bao giờ tìm kiếm danh tiếng hay địa vị. Chỉ là một ông thầy tu giản dị và nhẹ nhàng nhưng đã chạm tới không biết bao nhiêu trái tim, và đã làm thay đổi cuộc sống của không biết bao nhiêu người.
Cùng với kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán niệm căn bản dạy về thiền tập trong thời Bụt còn tại thế. Cả hai bộ kinh này đều nói tới niệm như cánh cửa chính để đi vào giác ngộ. Tính đến thời điểm hiện tại, Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán niệm có tới 3 tụng bản. Danh từ Con Đường Duy Nhất đã được sử dụng trong tất cả các tụng bản. Điều này cho ta thấy vị trí chính yếu của phép quán Tứ Niệm Xứ trong toàn bộ giáo lý đạo Bụt. Đạo Bụt đã trở thành một tôn giáo lớn nhưng cốt tủy của đạo Bụt vẫn là thiền quán. Kinh này vì vậy đã được học hỏi, thực tập và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách cẩn trọng đặc biệt.

Cuốn sách Con đường chuyển hóa của Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những hướng dẫn cụ thể để người thiền tập thực hành 4 bài tập quán niệm và trải nghiệm các bài tập tỉnh thức trong đời sống hàng ngày với tổng số 20 bài tập.
Thứ nhất, quán niệm về thân thể. Bài tập thứ nhất tới bài tập thứ 11 hướng dẫn bạn quán niệm về hơi thở, về các tư thế của thân thể, về các động tác của thân thể, về các bộ phận của thân thể, về những yếu tố tạo nên cơ thể, và về sự tàn hoại của cơ thể.
Thứ hai, quán niệm về cảm giác, hay còn gọi là quán niệm cảm thọ. Tiếp nối bài tập thứ 11 trong quán niệm về thân thể, trong lĩnh vực này, bạn sẽ thực hành quán niệm về các cảm giác dễ chịu, khó chịu và không dễ chịu cũng không khó chịu đang phát sinh, tồn tại và hoại diệt, các cảm giác có nguồn gốc sinh vật lý và tâm lý.
Thứ ba, quán niệm về tâm ý. Các bài tập từ 13 – 15 hướng dẫn thiền giả quán niệm về các trạng thái tâm ý như tham, giận, lầm lạc, tập trung, tán loạn, ràng buộc, giải thoát…
Thứ tư, quán niệm về những đối tượng của tâm ý. 4 bài tập còn lại giúp bạn thực hành quán niệm yếu tố của sinh mạng là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, các giác quan và đối tượng của chúng, các yếu tố gây chướng ngại cho trí tuệ và giải thoát, các yếu tố đưa đến giác ngộ và bốn sự thật về khổ đau và giải thoát.
Bên cạnh đó, Thiền sư đã phát kiến ra được 5 nguyên tắc căn bản cho phép hành trì Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, giúp thiết lập những phương cách thực tập hữu hiệu để áp dụng phép quán niệm xứ vào nếp sống hiện tại, một nếp sống khá khác lạ với nếp sống của Bụt và các vị khất sĩ trong một xã hội cách chúng ta hơn 25 thế kỷ. Theo đó, phép quán niệm xứ không chỉ dành cho người xuất gia, mà sự thật là tất cả mọi người đều có thể thực tập phép quán niệm xứ trong đời sống hàng ngày của mình. Nếu người xuất gia có thể thực tập phép quán này trong khi đi, đứng, nằm, ngồi… thì người tại gia cũng có thể thực tập phép quán này trong khi đi, đứng, nằm, ngồi… Do đó, nếu bạn muốn tiếp xúc được suối nguồn thiền tập của đạo Bụt, trải nghiệm nếp sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày thì đây chính là một cuốn sách phù hợp.

Vậy quán niệm là gì?
Trong cuốn sách, Thiền sư giải thích quán niệm như sau:
“Quán niệm trước tiên là phát khởi ý thức về đối tượng mà ta muốn quán niệm và sau đó là quán chiếu về đối tượng ấy. Quán niệm như vậy, có nghĩa là ý thức và quán chiếu. Niệm có nghĩa là đi sâu vào lòng đối tượng ấy mà thẩm sát. Trong quá trình ý thức và quán chiếu ấy, dần dần ranh giới giữa chủ thể quán sát và đối tượng quán sát bị xoá bỏ, chủ thể và đối tượng trở thành nhất như. Đây là đặc điểm căn bản của thiền quán.”
Tập thiền quán chính là tập quán sát để thấy và hiểu sâu được vào lòng sự vật. Nhờ cái thấy và cái hiểu đó mà ta giải thoát được khỏi những giận hờn, lo lắng và sợ hãi – nguyên nhân của những nỗi khổ đau. Bản chất của chúng là vô minh, nghĩa là sự thiếu sáng suốt. Khi ta hiểu lầm một người bạn chẳng hạn, ta giận hờn, và vì giận hờn ta khổ đau. Quán sát thực tại cho sâu sắc, ta đánh tan được sự hiểu lầm đó, và những khổ đau của ta tan biến và ta sẽ đạt tới giải thoát và an lạc.
Nhưng giải thoát và an lạc không phải là những gì xa vời mà ta chỉ có thể đạt tới sau một thời gian thực tập lâu dài, như mười năm, hai mươi năm, hay ba mươi năm. Thực tập thiền quán, ta có thể đạt tới giải thoát và an lạc ngay trong giờ phút ta đang thực tập, dù mức độ giải thoát và an lạc ấy còn chỉ là khiêm nhượng. Tuy khiêm nhượng, những yếu tố giải thoát và an lạc ấy là nền tảng cho những giải thoát và an lạc lớn lao hơn.
Vậy bây giờ, bạn có muốn thử một bài tập quán niệm không? Hãy bắt đầu với bài tập đầu tiên trong lĩnh vực thứ nhất của quán niệm là lĩnh vực thân thể nhé.
Thở có ý thức – Bài tập đầu tiên mà kinh dạy: “Thở vào với ý thức minh mẫn là mình đang thở vào, thở ra với ý thức minh mẫn là mình đang thở ra.” Quán niệm về hơi thở trước hết là phát khởi ý thức về hơi thở. Thực tập như thế, hơi thở của bạn sẽ trở thành hơi thở có ý thức. Bài tập này hết sức đơn giản, rất dễ làm, nhưng hiệu quả thì rất lớn lao. Bí quyết của sự thành công là ở chỗ trong khi thở, người thực tập chỉ để tâm tới hơi thở mà thôi, không để tâm vào một đối tượng nào khác. Trong thời gian của hơi thở, tâm ta chỉ để ở hơi thở. Đó là ý nghĩa quán niệm thân thể trong thân thể. Tập thở có ý thức sẽ đem đến cho bạn 2 hiệu quả: Thứ nhất, đưa bạn trở về với chính bạn. Thứ hai, giúp bạn tiếp xúc với sự sống trong giờ phút hiện tại.

Độc giả Nguyên Vũ trên trang GoodRead để lại cảm nhận về cuốn sách: Đọc và thực tập. Có khi bạn sẽ phải đọc quyển này trong 1 năm, 2 năm, 3 năm, v.v… Nên thực tập cùng với quyển “Hơi thở nuôi dưỡng – hơi thở trị liệu” trước rồi hãy sang quyển này. Đọc tác phẩm nào của Ông, con cũng như được trò chuyện cùng Ông, từ cách Ông đi đứng, nói, viết, con có thể cảm nhận được Ông rất nhẹ nhàng và an lạc.
Trong cuốn sách này còn rất nhiều bài tập quán niệm giúp bạn giải thoát và tìm được an lạc trong cuốn sách đang chờ bạn khám phá. Bằng cách thực tập hơi thở, nụ cười, thiền hành, thiền tọa, bằng cách nhìn, cách nghe, cách quan sát trong chánh niệm sẽ giúp làm lớn mạnh những hạt giống của hạnh phúc. Đó chính là điều mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh muốn gửi gắm tới bạn qua cuốn sách này.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Con đường chuyển hóa” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, chia sẻ để có thể đón xem những bài viết sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
