Lấy Chuyện Sử Kể Chuyện Đạo
Lịch sử là một kho tàng tri thức bất tận. Lịch sử có thể kể ta nghe về sự thật, lịch sử cũng có thể tặng cho ta một bài học quý giá. Với một chút óc sáng tạo, thực tế chúng ta có thể khai thác lịch sử để tạo nên rất nhiều điều diệu kỳ. Thích Nhất Hạnh là một ví dụ điển hình, qua tác phẩm “Am Mây Ngủ”, Sư Ông đã dùng giai thoại lịch sử thời đại Huyền Trân Công chúa – Vua Trần Nhân Tông để gửi gắm những triết lý màu nhiệm của Phật Giáo.
Trước tiên, đến với tác giả, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một cái tên quá quen thuộc với chúng rồi đúng không nào? Ông là một nhà tu hành xuất thân từ Việt Nam, với trí tuệ cũng như lòng từ bi của mình, Thích Nhất Hạnh đã trở thành một trong những bậc thầy tâm linh hàng đầu thế giới, ông cũng có đóng góp vô cùng lớn lao trong việc phát triển và lan tỏa Phật giáo phương Tây. Điều đặc biệt ở Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những áng văn tri thức đồ sộ mà ông đã để lại. Với hơn 100 cuốn sách đã được xuất bản và hơn 5 triệu bản được tẩu bán trên toàn thế giới, Thích Nhất Hạnh chắc chắn là một trong những tay bút hàng đầu trong giới văn chương tâm linh/ tôn giáo.

Nói đến “Am Mây Ngủ”, đây là một trong nhiều cuốn sách rất độc đáo của Thích Nhất Hạnh. Cái hay của “Am Mây Ngủ” chính là cách Thiền sư đã lấy chuyện sử kể chuyện đạo, chuyện Phật. Với văn phong nhẹ nhàng, giản dị và đầy nhân ái thường thấy của vị Thiền sư, những trang sử một thời của nước Đại Việt dường như chẳng còn chút khô khan, nhàm chán.
“Am Mây Ngủ” là một tiểu thuyết ngoại sử kể về cuộc đời của Huyền Trân Công chúa – một trong những nữ nhân nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất lịch sử Việt Nam. Huyền Trân Công chúa là con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái Vua Trần Anh Tông. Các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện nàng công chúa Đại Việt được gả cho vua nước Chăm Pa ngày ấy chứ? “Am Mây Ngủ” sẽ một lần nữa đưa chúng ta qua giai thoại mang tính lịch sử ấy của dân tộc Việt, nhưng với một cái nhìn và tinh thần hoàn toàn mới lạ của triết lý Phật giáo.
Cuộc đời thăng trầm của Huyền Trân Công chúa là một mảnh gương soi chiếu thời cuộc nước Đại Việt cũng như văn hóa Việt – Chăm vào đầu thế kỷ 14. Cuộc đời của Huyền Trân công chúa có hai sự kiện nổi bật. Sự kiện thứ nhất là khi nàng được vua Trần Nhân Tông gả cho vua Chế Mân của Vương quốc Chăm Pa nhằm giúp mở rộng bờ cõi nước Đại Việt. Với nhiều sử gia thời bấy giờ lẫn nhiều người trong chúng ta ngày nay, câu chuyện ấy dường như chỉ đóng vai trò như một nước cờ chính trị. Tuy nhiên, trong “Am Mây Ngủ”, động cơ của Vua Trần Nhân Tông chính là người đã đem lòng yêu mến Chiêm Thành và vì vậy mong muốn dân tộc hai nước được chung sống trong hòa bình, hạnh phúc. Có lẽ cũng vì lý do đó, Lá Bối của Làng Mai đã cho rằng “Trong “Am Mây Ngủ”, tác giả đã lấy lòng của một Thiền sư để hiểu lòng một vị Thiền sư” – đó là tấm lòng luôn hướng đến sự bình yên, tình yêu thương và hạnh phúc. Để đạt được ước nguyện đó, vị Vua đã gả cô con gái của mình như một cách để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.
Sự kiện thứ hai chính là khi vua Trần Anh Tông cho người sang “cướp” công chúa về sau khi vua Chế Mân băng hà, vì sợ người Chăm sẽ đưa công chúa lên giàn hỏa thiêu cùng vua. Theo góc nhìn của “Am Mây Ngủ”, thật ra có rất nhiều lý do “nhân văn” khiến cuộc “giải cứu” công chúa Huyền Trân đến từ cả hai phía Việt và Chăm.

Trong “Am Mây Ngủ”, hình ảnh của Trúc Lâm Đại sĩ, hay chính là đức Vua Trần Nhân Tông, đã xuất hiện xuyên suốt câu chuyện. Vào thời điểm đó, Vua Trần Nhân Tông đã xuất gia, tu trên núi Yên Tử với những am mây thanh bình và sống một cuộc đời phạm hạnh; sau này, đi vào sử sách, Trần Nhân Tông không chỉ được vinh danh là một trong những vị vua anh minh của sử Việt mà còn là một Thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam. Vị Trúc Lâm Đại sĩ này đã đóng vai trò như một điểm tựa tinh thần, một ngọn đèn dẫn lối cho công chúa Huyền Trân. Sau này, khi về với nước Đại Việt, Huyền Trân công chúa cũng đã xuất gia đi tu và trở thành một Ni sư.
“Am Mây Ngủ” vẫn giữa nguyên những chi tiết về thời gian trong giai đoạn lịch sử của Huyền Trân công chúa với mối quan hệ Việt – Chăm vào đầu thế kỷ 14, thế nhưng những diễn biến trong câu chuyện đều xuất phát từ sự sáng tạo của tác giả. Đọc “Am Mây Ngủ”, ta có thể thấy Huyền Trân công chúa đã đi qua một cuộc đời thật ngang trái với quá nhiều thứ nằm ngoài tầm tay: Năm 18 tuổi được gả cho vua xứ Chăm, xa rời quê hương để học cách yêu thương một vùng đất mới. Sau 1 năm thì chồng mất, nàng phải chia xa và bỏ lại chính đứa con máu mủ chưa đầy 1 tuổi của mình ở đất Chăm. Và rồi nàng tiếp tục phải chứng kiến sự ra đi của người cha anh minh cũng như sự bất tuân của anh trai mình. Tuy nhiên, cuối cùng, sau tất cả, công chúa đã tìm thấy sự bình an trong tâm hồn khi đi theo dấu chân của Phật.
“Am Mây Ngủ” bao gồm 10 chương với hơn 190 trang. Thích Nhất Hạnh đã lồng ghép triết lý đạo Phật xuyên suốt câu chuyện; tác giả dùng những mất mát, biến cố cuộc đời công chúa Huyền Trân như một cách để lý giải những quy luật của cuộc sống và của chính thân tâm này: rằng khổ đau và vô thường là tất yếu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại một sự kiện có thật trong lịch sử nước Việt bằng một trái tim đầy nhân ái, chan chứa tình yêu thương. Qua “Am Mây Ngủ”, dù câu chuyện được kể nhiều phần chỉ là hư cấu, Sư Ông đã dạy chúng ta cách nhìn nhận những chuyện đã qua bằng ánh mắt bao dung và từ bi; học cách yêu mình, yêu người và yêu thiên nhiên. Tuy nhiên, bài học không chỉ dừng là ở quá khứ, câu chuyện Việt – Chăm ngày ấy qua lăng kính “Am Mây Ngủ” đã lan tỏa một cái nhìn đầy vị tha và yêu thương đến cách chúng ta vẫn đối nhân xử thế hằng ngày. Và có lẽ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng phần nào muốn nhắn nhủ những nhà lãnh đạo, những chính trị gia ở chính thời đại chúng ta hãy đoàn kết và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau chung sống cũng như tạo dựng một thế giới hòa bình.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thời Trung đại và đồng thời cũng là một người yêu mến triết lý nhiệm màu của Phật giáo thì “Am Mây Ngủ” chính là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Hơi thở bình yên của Phật giáo và giọng văn dịu dàng của Thích Nhất Hạnh đã khiến câu chuyện lịch sử này không những không khô khan, nhàm chán mà còn thấm đượm màu sắc triết lý và tình thương – một điều có lẽ chúng ta rất khó bắt gặp ở tác phẩm ngoại sử nào khác. Qua “Am Mây Ngủ”, độc giả cũng có cơ hội tích lũy thêm kiến thức về thời kỳ huy hoàng của lịch sử Việt Nam thời Trần, mà một trong những lý do làm nên thời kỳ huy hoàng ấy chính là đức tin của vị Vua, của người dân vào con đường giàu tình thương và trí tuệ của Phật giáo.
Bạn không tin một câu chuyện lịch sử có thể được viết lại bằng lòng nhân ái và sự dịu dàng như cách Thích Nhất Hạnh đã làm ư? Hãy đọc ngay “Am Mây Ngủ” nhé, cuốn sách chắc chắn sẽ để lại cho bạn những cảm xúc và trải nghiệm vô cùng khó quên!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Am Mây Ngủ” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, chia sẻ để có thể đón xem những bài viết sớm nhất nhé!. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
