yêu con đúng cách và giáo dục hiệu quả
Chào mừng bạn đến với Tulato – Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Khi nhắc đến “ngôn ngữ tình yêu”, chúng ta thường nghĩ ngay đến những nguyên tắc dành cho hôn nhân hay tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, trong cuốn sách “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em”, tác giả Gary Chapman và Ross Campbell sẽ chứng minh cho độc giả thấy rằng những ngôn ngữ này có thể được áp dụng vào mối quan hệ với con trẻ ra sao và tạo ra sự thay đổi tích cực đến như thế nào.
Vậy hai tác giả của cuốn sách nổi tiếng này là ai? Tulato sẽ giới thiệu cho các bạn ngay bây giờ nhé!
Gary Chapman là một tác giả, diễn giả và người dẫn chương trình người Mỹ. Ông còn là một chuyên gia tư vấn hôn nhân với hàng chục năm kinh nghiệm. Gary Chapman đặc biệt nổi tiếng với khái niệm mà ông đã khởi xướng về “5 ngôn ngữ tình yêu”. Series sách của Chapman về đề tài này đã bán được hơn 11 triệu bản bằng tiếng Anh và được dịch ra 49 ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Ross Campbell cũng là một tác giả sách, một nhà tâm thần học và là một chuyên gia tư vấn về giáo dục con cái và sự phát triển của trẻ em. Cả tác giả này có rất nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ hàng triệu người trên thế giới nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ với người mình yêu thương một cách tích cực hơn.
288 trang và 11 chương trong cuốn “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” là kết quả từ sự tích lũy kiến thức lẫn hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn của Gary Chapman và Ross Campbell, qua đó giúp độc giả vận dụng khéo léo 5 cách thức thể hiện và đón nhận tình yêu trong việc nuôi dạy, yêu thương con cái như thế nào để đảm bảo chúng được phát triển một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Về nội dung của cuốn sách, tác giả xuất phát bằng việc lý giải vai trò nền tảng của tình yêu thương trong việc giáo dục con cái và sự phát triển lâu dài của trẻ. Vì vậy, cách cha mẹ thể hiện tình yêu của mình phù hợp với mong muốn và nhu cầu của con sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái.
Ở 5 chương tiếp theo, hai tác giả đi sâu vào 5 ngôn ngữ yêu thương dành cho trẻ em, cụ thể là: Cử chỉ âu yếm, Lời khen ngợi, Thời gian chia sẻ, Quà tặng và cuối cùng là Sự tận tụy.
Ở mỗi chương, tác giả luôn bắt đầu và lồng ghép bằng những tình huống ví dụ thực tế rất cụ thể để chứng minh cho tác dụng của những cách thể hiện tình yêu trên, đi kèm với đó là cách áp dụng mỗi loại ngôn ngữ với “liều lượng” phù hợp và với từng đối tượng khác nhau. Để tăng tính thực tế cho cuốn sách, các tác giả luôn đề ra một số gợi ý cho cha mẹ làm thế nào để thực hành những ngôn ngữ tình yêu này.
Ví dụ, với ngôn ngữ “Cử chỉ âu yếm”, đó có thể là việc ôm con vào lòng khi con còn là đứa trẻ 4 tuổi, nhưng đó sẽ có thể là một cái ôm hay vỗ nhẹ vào lưng khi con đã lớn.
Để thực hiện “Lời khen ngợi”, cha mẹ không thể quên những lời động viên, khuyến khích con cái đúng thời điểm, ví dụ như khi con vừa đạt được thành tựu mới hay dành tặng lời khen khi con biết chia sẻ và giúp đỡ bạn bè. Tác giả đã trích dẫn một câu chuyện rất thú vị để minh họa cho tác dụng tuyệt vời của loại hình ngôn ngữ tình yêu này như sau: Kathleen – một người mẹ 2 con – kể rằng từ ngày bé, mẹ cô đã luôn dành lời khen cho mái tóc đỏ của cô và chải tóc cho cô trước gương mỗi sáng trước khi đi học. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của Kathleen, bởi sau này khi lớn lên và biết rằng những người tóc đỏ chỉ là nhóm thiểu số, cô chưa bao giờ cảm thấy bản thân kỳ cục và cảm thấy tự ti về màu tóc đặc biệt của mình.
Tiếp đến là “Thời gian chia sẻ”, điều đó có nghĩa là cha mẹ chỉ tập trung và dành trọn vẹn thời gian bên con cái, như chơi cùng con, cùng con đi mua sắm hoặc đơn giản là lắng nghe con kể chuyện về ngày của mình một cách chăm chú.
“Sự tận tụy” là việc chúng ta giúp đỡ, phục vụ con cái của mình, chẳng hạn như nấu cho con một bữa ăn ngon và chăm sóc con bị ốm.
Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng chúng ta nên sử dụng những cách thể hiện tình cảm này với mức độ vừa phải và trong những hoàn cảnh phù hợp, nếu không, chúng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến con trẻ.
Hãy lấy ví dụ với ngôn ngữ “Sự tận tụy”. Một mặt, sự chu đáo của cha mẹ có thể trở thành một tấm gương sáng cho sự ân cần, tháo vát và tinh thần trách nhiệm của con. Mặt khác, các bậc phụ huynh chỉ nên dạy dỗ, giúp đỡ con khi con chưa thể tự thực hiện được điều gì đó. Khi con đã có thể tự làm một mình, chúng ta nên tiếp tục để con “tự thân vận động” để học cách tự lập hơn. Nếu không, con trẻ sẽ trở nên phụ thuộc, bị nuông chiều quá mức, lười biếng và không đủ can đảm để tự đứng trên đôi chân của mình khi lớn lên.

Khi đã giới thiệu và bạn luận xong về 5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em, Gary Chapman và Ross Campbell sẽ tiếp tục tiếp cận những chủ đề liên quan giúp cha mẹ thực hành những ngôn ngữ này hiệu quả hơn như: Làm thế nào để cân bằng giữa tình yêu và kỷ luật? Làm thế nào để đối mặt với cơn giận dữ, vì cơn giận có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển tính cách của con trẻ?
Chưa dừng lại ở đó, để giúp đỡ độc giả, tác giả cũng bổ sung thêm 2 chương về cách thực hành 5 ngôn ngữ tình yêu dành cho bố mẹ đơn thân và trong hôn nhân. Ở cuối sách là các bài kiểm tra nhằm xác định ngôn ngữ tình yêu của trẻ em một cách khéo léo và tinh tế nhằm giúp các bố các mẹ thực hiện hóa những thông tin được chia sẻ trong cuốn sách này.
Bài học của “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” chính là việc chúng ta nên chấp nhận rằng đôi khi cha mẹ và con cái sẽ có những cách nhìn nhận, thấu hiểu và thể hiện tình yêu hoàn toàn khác nhau. Và chỉ khi xác định được ngôn ngữ yêu thương của con và điều chỉnh ngôn ngữ của bản thân để có được tiếng nói chung với con, cha mẹ và con cái mới có thể thật sự mở lòng, thấu hiểu lẫn nhau. Kết quả là con trẻ cũng sẽ ngoan ngoãn, tôn trọng và chịu lắng nghe ý kiến từ cha mẹ hơn, từ đó dẫn đến một mối quan hệ hài hòa và tính cực. Ngược lại, nếu giáo dục con cái bằng sự giận dữ, la mắng và quá nhiều cấm đoán, con cái và bố mẹ sẽ trở nên xa cách, trẻ em sẽ cảm thấy thiếu thốn tình thương và thậm chí mắc phải những sai lầm trong quá trình trưởng thành.

Là một cuốn cẩm nang giáo dục con trẻ hướng đến đến những người làm cha mẹ và cả những người làm giáo dục nói chung, “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” đã chạm đến trái tim hàng triệu độc giả, thay đổi cách họ giáo dục con cái và xây dựng một mối quan hệ tích cực, gần gũi với con của mình. Độc giả Jennifer Wedemeyer đã nhận xét trên Goodreads rằng: “Là một người mẹ, “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” là một trong những cuốn sách tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc. Giá như tôi đọc được cuốn sách này từ khi mới làm mẹ! Gary Chapman và Ross Campbell sử dụng những nguyên tắc từ kinh thánh, minh họa từ trải nghiệm của nhiều cá nhân khác nhau và cách áp dụng cụ thể để giúp bạn thấu hiểu nhu cầu của con mình. Hãy thử nghĩ xem, thế giới này sẽ đẹp đẽ đến nhường nào nếu mỗi đứa trẻ trên đời này đều được đáp ứng ngôn ngữ tình yêu của mình.”
Xây dựng một mối quan hệ tốt với con trẻ chắc chắn không phải là một điều đơn giản, nhưng với cuốn sách “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” trên tay, bạn sẽ tìm thấy được những bí quyết để thực hiện điều đó!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “5 Ngôn Ngữ Yêu Thương Dành Cho Trẻ Em” từ Tulato. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Tạm biệt và hẹn gặp lại…
