bởi bạn là duy nhất, con đường bạn đi cũng khác biệt
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
“Đạo” – một từ không mấy xa lạ trong đời sống tinh thần của chúng ta. Bạn nghe nó hằn, từ rất nhiều người. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: “Đạo” là gì? Đạo sư là người như thế nào? Có phải “Đạo” dùng để chỉ những tôn giáo mà chúng ta biết đến ngày nay?
Nếu bạn cũng thắc mắc trên và muốn hiểu thêm về thế giới tinh thần huyền diệu này thì quyển sách “Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” có lẽ sẽ mang đến cho bạn câu trả lời vô cùng thú vị và sâu sắc.
“Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” được viết bởi Osho, một trong những đạo sư có sức ảnh hưởng to lớn của thế kỷ 20 với những quan điểm cấp tiến và mang giá trị nội tại sâu sắc.
Osho tên thật là Rajneesh Chandra Mohan Jain hay còn được biết đến với cái tên Bhagwan Shree Rajneesh. Năm 1989, ông tự đổi tên là Osho (nghĩa là đạo sư theo tiếng Nhật cổ). Ông là một trong những đạo sư có sức ảnh hưởng lớn trong chỉ ở Ấn Độ mà còn trên toàn thế giới. Bên cạnh việc tu đạo, ông còn tham gia thuyết giảng và viết sách. Sách của ông được đông đảo độc giả đón nhận và được dịch ra nhiều thứ tiếng với hàng chục triệu ấn bản. Ở Việt Nam, những tựa sách như “Upanishad: Cốt tủy của giáo huấn”, “Sáng tạo – Bừng cháy sức mạnh bên trong”, “Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc”,… đều vô cùng quen thuộc.
Osho nổi tiếng với những tư tưởng cấp tiến và những góc nhìn mới lạ. Ông đề cao tính cá nhân và sự độc đáo riêng biệt của mỗi người. Quan điểm này được thể hiện rõ trong quyển sách “Đạo – Trạng thái và nghệ thuật”. Hôm nay, chúng ta hãy cùng Tulato đi tìm “đạo” của riêng bạn trong quyển sách này nhé!

“Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất của Osho. Sách gây ấn tượng không chỉ bởi lối lập luận thuyết phục và sắc sảo đặc trưng của Osho mà còn bởi những tư tưởng giúp con người giải thoát khỏi những xiềng xích của tín ngưỡng và sự tuân thủ theo khuôn mẫu. Xuyên suốt 281 trang sách là hai nội dung chính nổi bật sau:
Trước tiên, cần hiểu rõ, Osho có một cách Định nghĩa về “Đạo” hoàn toàn khác biệt. Với Osho, “đạo” được hiểu theo đúng nghĩa của nó là đường đi. Phải, mỗi người trong chúng ta đều có “đạo”. Đạo hiện lên qua những quyết định chúng ta đưa ra hằng ngày, qua những mục tiêu mà ta hướng đến, qua lý tưởng mà ta theo đuổi.
Qua cuốn sách này, Osho giảng giải rằng: Không có đích đến ở cuối con đường. Đích đến như một dấu mốc, xuất hiện khi bản thân có sự chuyển biến về tư tưởng, sự phát triển về trí tuệ hay sự hoàn thiện về tâm hồn. Do vậy, đích đến có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên con đường bạn chọn. Bởi vậy, từ xưa đến nay, các vị đạo sĩ thường không nhắc đến đích đến, Thượng đế không nói về thiên đường, Đức Phật không nói về niết bàn,… Họ chỉ dẫn những môn đồ đi trên con đường để giác ngộ cuộc sống.
“Đạo” theo quan điểm của Osho đề cao tính cá nhân. “Đạo” của Osho là một tôn giáo không có tổ chức. Nó mang tính tôn giáo thuần khiết nhưng lại không lệ thuộc vào đặc tính xã hội, không có tính tổ chức. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một “đạo sĩ” nếu họ sống chân thực và ngẫu hững với những gì ở bên trong họ.
“Đạo” của Osho đề cao sự độc đáo, riêng biệt, không đề cao đám đông, đề cao tính tự do, phá cách, không quan tâm đến những tiêu chuẩn bó buộc. “Đạo” là một cuộc cách mạng về đổi mới, sáng tạo về tư tưởng lớn nhất từ trước đến nay.
Phần tâm đắc nhất của “Đạo: Trạng thái và nghệ thuật” như thường lệ là phần phân tích và đánh giá của Osho dành cho quan điểm của các nhà tư tưởng nổi tiếng, cụ thể là Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử và Gia Cát Lượng.
Qua phân tích cụ thể và chi tiết cùng việc bộc lộ đan xen những quan điểm cá nhân, Osho đã chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong bốn hệ tư tưởng lớn của Phương Đông. Đồng thời chứng minh rằng “Đạo” là con đường mang tính độc hành. Con đường không phải là thứ bạn bám theo người khác mà đi, mỗi người sinh ra đều có một con đường của riêng mình, việc nỗ lực đi theo con đường được người khác vạch sẵn không bao giờ mang lại hiệu quả. Bởi bạn là bạn. Bạn không phải Lão Tử, cũng không phải Đức Phật. Bạn là duy nhất.
Nếu chỉ chăm chăm bước theo những dấu chân của người đi trước, bạn cũng sẽ vấp phải những sai lầm y như họ. Việc học tập là cần thiết, nhưng cần có sự chọn lọc và cải tiến để tạo nên một hướng đi mới phù hợp cho riêng mình.
Giữa một xã hội còn lệ thuộc quá nhiều vào chỗ dựa tâm linh như Ấn Độ thời bấy giờ, những quan điểm mới mẻ của Osho như một ngọn lửa bừng sáng trên con đường tối. Chính vì thế mà Osho được tôn vinh như là một trong 10 người làm thay đổi vận mệnh của Ấn Độ, là người “giải phóng trí óc của các thế hệ tương lai khỏi những xiềng xích của tín ngưỡng và sự tuân thủ theo khuôn mẫu”

“Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” của Osho là sự lựa chọn tuyệt vời cho ai yêu thích tư duy phản biện. Những phân tích cùng tư duy đối lập vô cùng sắc bén của Osho chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn mới lạ và giúp bạn cải thiện khả phân tích và nhìn nhận vấn đề.
Độc giả Nhung Phạm chia sẻ: Cuốn sách giúp mình nhìn nhận lại những niềm tin Kito giáo dưới một cách hiểu khác, sáng rõ hơn, bớt thần thoại hơn và thuyết phục hơn. Osho cổ vũ những người sống với niềm tin tôn giáo báo kỳ có thể tự đi trên một con đường riêng là Đạo. Đạo chỉ là cái tên thôi vì người ta cần một cái tên để gọi nó.
“Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” sẽ là mở đầu tuyệt vời khi bạn bắt đầu nghiên cứu chủ đề trên. Với bố cục nội dung chặt chẽ, cùng hệ thống lý luận logic, sách phù hợp với những ai đã và đang đi tìm con đường riêng cho tương lai của bản thân. Bên cạnh đó, sách cũng giúp những ai vô định hay đang hoài nghi và cảm thấy bị trói buộc bởi những đức tin cố hữu có thể tìm được hướng đi mới đúng đắn.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lắng nghe review cuốn sách “Đạo – Trạng thái và nghệ thuật” từ Tulato. Hy vọng chia sẻ của chúng mình đã mang đến cho bạn những kiến thức thú vị. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé!. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
