hồi ức về năm tháng áo dài trắng
Chào mừng bạn đến với Tulato -Túi lan tỏa tri thức – Góp sức thành công. Thật vui khi được tiếp tục đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá tri thức mới.
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Ngôi trường mọi khi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì hẳn bạn sẽ mỉm cười vì những tình huống truyện vô cùng đáng yêu và đáng nhớ. Cuốn sách kể về cuộc sống của một nhóm bạn cấp 3, nó không quá ồn ào, vội vã. Đó chỉ đơn giản là những câu chuyện rất bình dị, rất gần gũi và rất “thật”.
Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Quyển sách “Ngôi trường mọi khi” đã gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc , kỉ niệm thời còn đi học. Với những cái tên biệt danh như : bảnh trai , tóc ngắn , răng chuột ,… đã làm nhớ lại những biệt danh của lớp mình và đặc biệt là biệt danh của tôi ” bốn mắt ” vì khi đó tôi bị cận và cả lớp đã gọi tôi bằng biệt danh đó nhưng bây giờ tôi nhớ lại , có biết bao những kỉ niệm lại ùa về, quãng đời vui tươi bên bạn bè làm tôi nhớ mãi.

Mở đầu cuốn sách nhà văn đã viết:
“Để đọc câu chuyện này bạn buộc phải tưởng tượng.
Nếu là con gái, bạn tưởng tượng ít thôi. Nếu là con trai, bạn phải tưởng tượng khủng khiếp hơn nhiều.
Khủng khiếp vì bạn phải tưởng tượng mình là … con gái. Là một nữ sinh bắt đầu vô lớp mười.”
Đọc đến đây hẳn bạn sẽ bật cười, bật cười vì sự hóm hỉnh và dí dỏm của tác giả. Hãy lật từng trang sách và bắt đầu tưởng tượng. Khi tưởng tượng, ta như được sống chung cuộc đời với nhân vật Tóc Bím, một cô nữ sinh lớp mười ngây thơ, hồn nhiên và đang tập làm người lớn, cái “lớn” ấy được thể hiện ngay trong suy nghĩ chín chắn của cô nàng lớp phó trật tự. Thế giới của cô bạn Tóc Bím ấy quẩn quanh trong mối quan hệ với một nhóm bạn thân ở lớp. Thế giới ấy ngập tràn những mùi vị và màu sắc. Đó là mùi vị của tình bạn, thứ mùi vị ngọt ngào, tràn đầy kỉ niệm, trong sáng của Tóc Bím và Kiếng Cận. Đó là màu sắc của những rung động nhẹ nhàng của anh chàng Bảnh Trai với cô Tóc Ngắn khờ khạo. Và còn là sự tinh nghịch, phá phách của hai “ông tướng” Bắp Rang và Ria Mép.
“Ngôi trường mọi khi”, một cuốn sách viết về thời học sinh cấp III. Cuốn sách là những câu chuyện đầy thú vị về nhóm bạn học sinh năm đầu cấp 3 với bao kỷ niệm vui buồn hờn giận, bao nhiêu trò tinh nghịch của tuổi mới lớn. Với những Hạt tiêu, Tóc ngắn, Hột mít, Bảnh trai, Răng chuột, Mặt mụn… đã tạo nên không khí của một lớp học thật dễ thương với bao nhiêu tình cảm yêu thương, cảm động và gần gũi. Đây là sách mới nhất của tác giả viết về tuổi áo trắng mộng mơ và tinh nghịch.
Nội dung sách Ngôi Trường Mọi Khi
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của 10 người bạn: Răng Chuột, Hột Mít, Hạt Tiêu, Tóc Ngắn, Bảnh Trai, Bắp Rang,… Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng mà được gọi bằng biệt danh, đó là cách gọi tên độc đáo của tuổi học trò. Mặc dù 10 nhân vật trong truyện đều được xây dựng là những học sinh mới bước vào cấp THPT, nhưng mỗi người lại có một hoàn cảnh riêng, một cá tính riêng không thể lẫn đi đâu được.
Ấn tượng đầu tiên là cậu bạn Răng Chuột trầm tính, ít giao tiếp với bạn bè và lực học không được khá. Cậu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù mới chỉ là học sinh trung học nhưng luôn phải dành thời gian đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống nên không có thời gian học tập. Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình của nhóm bạn, từ một cậu con trai lầm lì, ít nói, cậu trở nên cởi mở, gần gũi và hòa đồng với bạn bè hơn và cải thiện được việc học tập.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn đem đến câu chuyện của một cô bé đầy cá tính có ngoại hình y hệt con trai mang tên Tóc Ngắn. Cách cô ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, cách suy nghĩ giống như một cậu nhóc vậy; đó chính là lí do mà Tóc Ngắn luôn khiến Bảnh Trai – lớp phó học tập cũng là người thích cô bé vô cùng đau đầu vì không biết làm cách nào để cô bé nhận ra tình cảm của cậu.
Ngoài ra, ta cũng bắt gặp câu chuyện dở khóc dở cười của Bắp Rang – một cậu bạn có khả năng “đánh hơi” thức ăn đầy đặc biệt khiến mọi người thán phục. Cậu vô cùng thông minh nhưng lại luôn giả vờ học kém trên lớp vì cậu không muốn theo ngành Y như bố mẹ mong muốn. Lần này, 9 người bạn còn lại đã trợ giúp rất nhiệt tình khiến Bắp Rang giải quyết được câu chuyện hướng nghiệp của cha mẹ, từ đó, cậu được tiếp tục theo đuổi ước mơ, và trở thành một học sinh xuất sắc của lớp.
Bằng con mắt của một người đã từng trải, nhà văn nhìn cuộc đời theo cách của riêng mình và vì thế ông đã tạo ra mỗi nhân vật là mỗi một cá tính, một hình ảnh hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Nhật Ánh không đặt cho nhân vật của mình những cái tên thật là cụ thể mà ông gọi họ bằng những biệt danh, bằng những điều mà ai cũng có và ai cũng thấy khi chúng ta mười sáu mười bảy. Mỗi câu chuyện của họ, ta như thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của chính mình và của những người bạn trên sân trường năm ấy. Những người bạn ở bên cạnh chúng ta vào những khoảnh khắc tươi đẹp nhất, ý nghĩa nhất.
Nếu như Tóc Bím hiện lên với sự nhẹ nhàng, dịu dàng và chín chắn thì Tóc Ngắn lại được nhà văn miêu tả giống y hệt như một “trang nam tử hán”, vô cùng nghịch ngợm và lí lắc. Nếu như Bắp Rang và Ria Mép là hai tên chuyên đi quậy phá khiến cho “bản cô nương” Hột Mít phải ra tay trừng trị thì Răng Chuột lại trầm lặng và ít nói song cậu bé ấy là một con người tình cảm với cô em gái và nhiệt tình với bạn bè. Nếu như Hột Mít nổi tiếng là “bàn tay sắt” quản lý lớp thì Hạt Tiêu lại là một cô nàng lém lỉnh, đáng yêu.

Tất cả vẽ nên một bức tranh với những gam màu khác nhau, mỗi gam màu là hiện thân của một thành viên trong nhóm. Đây là một truyện dài, và đúng là dài thật, đọc truyện tôi dường như đã đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác. Và cái kết cho cuộc hành trình một năm học của họ cũng là cái kết tôi tin là vừa lòng độc giả. Những tiếng cười, những giọt nước mắt hòa tan, cho phép tôi được gọi đó là tuổi trẻ, là tình bạn một thời theo ta đến một đời.
Những nét vẽ trong trẻo của tác giả đã gợi lại một miền kí ức cho những cô cậu học trò cấp 3 đã ra trường, và khơi dậy một mảng trời đầy ý vị cho những ai chuẩn bị bước vào cổng trường cấp 3. Đọc sách, ta cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi, những dư vị ngọt ngào, những dấu ấn và kỉ niệm khó phai mờ của một thuở “áo trắng sân trường.”
Cuốn sách “Ngôi trường mọi khi” như một nét vẽ nhẹ nhàng mà sâu lắng, khắc sâu trong lòng người đọc những câu chuyện bình dị, sâu sắc về tuổi học trò. Tác phẩm đã mở ra trước mắt ta một khung trời đầy nắng và gió của quãng đời tươi đẹp thời đi học, khiến ta thêm trân trọng những năm tháng đầy ý nghĩa này.
Tulato hi vọng cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích và hỗ trợ hiệu quả cho công việc học tập của bạn. Nếu yêu thích những nội dung chúng mình chia sẻ, hãy nhấn like, subscribe để có thể đón xem những video sớm nhất nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi Tulato. Tạm biệt và hẹn gặp lại…
